Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

20160225. AI KIỂM KIỂM TOÁN ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
AI KIỂM KIỂM TOÁN ?
NGỌC QUANG/GDVN/BVB 25/2/2016
Ngoài sự phát hiện của nhân dân và báo chí, tham nhũng chỉ lộ ra khi nội bộ có mâu thuẫn, còn qua kiểm toán phát hiện rất hạn chế.
Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nói thẳng, lo kiểm toán cho đúng luật lệ thì ít mà lo đối phó là nhiều. Vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm là kiểm toán tài chính công và tài sản công.
Ông Phan Trung Lý đặt ra vấn đề khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Đồng thời, ông Lý đặt ra vấn đề: Chưa thấy ai bị xử lý kỷ luật vì không thực hiện nghiêm báo cáo của kiểm toán và Kiểm toán nhà nước cũng không đề xuất kỷ luật ai?
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì cho rằng, ngoài sự phát hiện của nhân dân và báo chí, tham nhũng chỉ lộ ra khi nội bộ có mâu thuẫn, còn qua kiểm toán phát hiện rất hạn chế.
Ông Hiện đề nghị Tổng kiểm toán nhà nước bổ sung thông tin, trong nhiệm kỳ vừa qua có phát hiện sai phạm của cán bộ kiểm toán trong khi thực thi công vụ không. Nếu có phát hiện và xử lý thì cần đưa vào báo cáo, để đảm bảo sự minh bạch thông tin đến với người dân.
Tại phiên làm việc sáng nay, ông Nguyễn Hữu Vạn – Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, qua kiểm toán cho thấy, tình trạng bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao; chi thường xuyên chưa hợp lý, một số khoản chi chưa đảm bảo tỷ lệ quy định như: Chi sự nghiệp khoa học, sự nghiệp giáo dục - đào tạo...; chi quản lý hành chính còn lớn trong tổng chi ngân sách địa phương do biên chế trong bộ máy lớn, nhiều nơi vượt cao so với biên chế được giao.
Việc chấp hành các quy định về kê khai, nộp thuế, thu phí, lệ phí tại hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ; việc hạch toán thiếu doanh thu, xác định sai chi phí tính thuế, nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước còn xảy ra phổ biến; tình trạng thất thu về thuế, phí, lệ phí, thu khác ngân sách và thu vượt, thu chưa có quy định hoặc tự ban hành mức thu tại các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương… chậm được chấn chỉnh, xử lý.
Công tác miễn, giảm, giãn, hoàn, xóa nợ thuế và chống thất thu ngân sách đối với hoạt động chuyển giá; công tác quản lý thu từ hoạt động tạm nhập, tái xuất; việc ban hành giá thuê đất, đơn giá thu tiền sử dụng đất, miễn, giảm, gia hạn nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh đơn giá thuê đất sau thời gian ổn định... cũng còn khá nhiều bất cập. 
Một số địa phương hụt thu nhưng không rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định; ngân sách còn khó khăn nhưng bổ sung ngoài dự toán một số khoản chi không thực sự cấp bách; sử dụng sai nguồn kinh phí, cho vay, tạm ứng sai quy định, kéo dài nhiều năm còn xảy ra tại hầu hết các địa phương được kiểm toán.
Quá trình quản lý chi đầu tư phát triển còn nhiều tồn tại từ khâu xây dựng, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư đến nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành; xác định phương án tài chính, thời gian thu hồi vốn của các hợp đồng BT, BOT còn bất hợp lý; nợ đọng xây dựng cơ bản cao...
Kết quả kiểm toán các chuyên đề, chương trình mục tiêu quốc gia đã đánh giá được tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong tổ chức triển khai các chương trình và phát hiện một số văn bản, chính sách hướng dẫn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp thực hiện còn hạn chế; việc bố trí vốn không sát thực tế; chưa huy động và lồng ghép đầy đủ các nguồn lực theo quy định; một số mục tiêu của các chương trình đạt thấp; tổ chức triển khai dàn trải, thiếu gắn kết.
Tổng hợp kết quả kiểm toán trong nhiệm kỳ, kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 101.037 tỷ đồng.
Cụ thể, tăng thu ngân sách nhà nước 23.017 tỷ đồng, giảm chi 22.503 tỷ đồng, các khoản nợ đọng tăng thêm 9.868 tỷ đồng, các khoản phải nộp, hoàn trả, quản lý qua ngân sách nhà nước 43.414 tỷ đồng và kiến nghị xử lý tài chính khác 2.235 tỷ đồng.
Đã thực hiện kiểm toán 106 lượt tập đoàn, tổng công ty, KTNN đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 9.843 tỷ đồng, phát hiện, điều chỉnh giảm tổng tài sản/nguồn vốn 6.511 tỷ đồng, giảm doanh thu, thu nhập 1.370 tỷ đồng, tăng chi phí 4.475 tỷ đồng.
Kiểm toán 5.285 lượt dự án (168 dự án nhóm A, 1.638 dự án nhóm B, 3.371 dự án nhóm C và 108 dự án khác), kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 12.990 tỷ đồng (thu hồi nộp ngân sách nhà nước 1.039 tỷ đồng; giảm cấp phát, thanh toán 1.788 tỷ đồng; giảm quyết toán chuyển quyết toán năm sau 1.273 tỷ đồng; giảm quyết toán các khoản đề nghị quyết toán không đúng nguồn 167 tỷ đồng; giảm giá trị trúng thầu 997 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước khác 7.726 tỷ đồng.
N.Q/GDVN
"Ở NƯỚC KHÁC THÌ KIỂM TOÁN PHÁT HIỆN RA THAM NHŨNG, CÒN Ở TA THÌ NGƯỢC LẠI"
pv XUÂN HẢI/ LĐ 24/2/2016
Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội (Ảnh: QH)
Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đã nói như vậy tại phiên họp sáng 24.2 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khi cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước. 
Báo cáo trước UBTVQH, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết: Bình quân hàng năm kiểm toán nhà nước (KTNN) thực hiện kiểm toán khoảng 180 đến 200 cuộc kiểm toán với quy mô năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10%. Trong 5 năm (2011-2015), KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính tổng số tiền 101.037 tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của KTNN (184.486 tỷ đồng). Trong đó, chuyển 9 hồ sơ về 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp nhiều bộ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra, cơ quan nhà nước khác và ĐBQH để phục vụ kiểm tra, giám sát.
Tại phiên họp nhiều đại biểu cho rằng công tác “hậu kiểm toán” vẫn chưa được coi trọng, vẫn chưa ai bị xử lý sau kiểm toán.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu lại cảm thấy lo nhiều hơn mừng. Ông Giàu mừng vì kiểm toán đã làm việc tích cực, nhưng lo nhiều hơn bởi nếu 5 năm sau lại phát hiện tăng hơn 5 trước thì quản lý tài chính công đi đến đâu? Nếu đánh giá đó chính xác thì quản lý tài chính công không tiến bộ vì để xảy ra tình trạng trên. "Làm sao để kiểm soát quản lý tài chính công chứ kết quả 5 năm mà bằng 55% của 21 năm thì lo quá"-ông Giàu bày tỏ.  
Còn Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước, kiểm toán là vũ khí của Quốc hội để kiểm soát vấn đề tài chính quốc gia, ngân sách nhà nước, thu-chi tiêu như thế nào? đặc biệt kiến nghị của KTNN hằng năm, và kiểm toán chuyên đề. Tuy nhiên, ông Phước bày tỏ băn khoăn về "hậu kiểm toán" trước vấn đề, nhiều kiến nghị của KTNN nhưng chưa được xử lý triệt để. 
"Vậy yêu cầu Chính phủ và các cơ quan phải thực hiện như thế nào?. Chứ hàng năm kiểm toán kiến nghị thu hồi hàng nghìn tỷ đồng cho nhà nước nhưng xử lý được đến đâu? thu được bao nhiêu? số còn lại xử lý thế nào? thì chưa rõ. Như vậy là chưa yên tâm, hậu kiểm toán làm chưa tốt vì tiền của nhà nước chính là tiền của nhân dân. Chúng ta đại diện cho nhà nước chính là đại diện cho nhân dân để kiểm soát lượng tiền thu chi này"-ông Phước nêu vấn đề.
Cũng bày tỏ băn khoăn về "hậu kiểm toán" Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý đặt vấn đề: Kết quả thực hiện kiến nghị của kiểm toán đến đâu thì chưa rõ? trách nhiệm như thế nào?. Luật KTNN có quy định trách nhiệm đối với việc thực hiện kết luận của KTNN, quy định trách nhiệm của Chính phủ đôn đốc kiểm tra thực hiện kết luận của kiểm toán và trách nhiệm của UBND, các cơ quan tổ chức. Vậy không thực hiện kết luận của kiểm toán thì phải bị xử lý như thế nào?. 
"Tôi chưa thấy ai bị xử lý kỷ luật vì không thực hiện kết luận của kiểm toán. Quốc hội, Chính phủ cũng chưa xử lý kỷ luật ai không thực hiện theo kết luận của kiểm toán, ngay bản thân kiểm toán cũng chưa đề xuất kỷ luật được ai, Chủ tịch tỉnh nào, vi phạm trong khi kiến nghị của kiểm toán rất đúng"-ông Lý chỉ rõ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Nguyễn Văn Hiện, kiểm toán mới chủ yếu đi vào kiểm toán ngân sách nhà nước, còn kiểm toán hoạt động còn nhiều hạn chế nhất định, chủ yếu là vẫn xử lý hành chính còn các vấn đề xử lý hình sự còn hạn chế. 
Ông Hiện nhấn mạnh: Ở nước khác họ coi trọng thanh tra, kiểm toán lắm. Có tới 80-90% phát hiện tham nhũng là do kiểm toán, thanh tra. Vì tham nhũng tinh vi chỉ có cơ quan có trình độ chuyên môn mới phát hiện được. Còn ở ta thì ngược lại vì chủ yếu là do nhân dân và báo chí phát hiện. Ông Hiện nói:" KTNN là thay mặt nhà nước trong quản lý sử dụng tài sản nhà nước, do đó  cần tăng cường phát hiện những vi phạm, tham nhũng thông qua kiểm toán việc sử dụng chi tiêu ngân sách của các đơn vị, cơ quan, tổ chức".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét