Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

20170228. TỪ FORMOSA ĐẾN VÀNH MÓNG NGỰA

ĐIỂM BÁO MẠNG
TỪ FORMOSA ĐẾN VÀNH MÓNG NGỰA
CHÍNH QUANG/BS/BVB 27-2-2017
Nguyễn Nhật- Thứ trưởng Bộ GTVT, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. 
                                              Nguồn: internet
Theo thông báo chính thức của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW), từ ngày 15 đến ngày 17/2, Ủy ban đã họp kỳ thứ 11, xem xét, kết luận việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng (BCSĐ) UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cá nhân liên quan đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án; để xảy ra các vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh.
UBKTTW đã chỉ rõ trách nhiệm chính thuộc về ông Võ Kim Cự, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban quản lý Khu kinh tế (2008-2010) và Nguyễn Nhật (sinh năm 1961), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nay là Thứ trưởng Bộ GTVT, chịu trách nhiệm chính khi phụ trách công tác liên quan trực tiếp tới đối tác Formosa Hà Tĩnh và giải phóng mặt bằng dự án.
Vậy Nguyễn Nhật chịu trách nhiệm như thế nào trong vụ việc này?
1) Nguyễn Nhật có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật:
Nguyễn Nhật cùng với Võ Kim Cự đã cố tình làm trái pháp luật về đầu tư, do đối với loại dự án như Formosa Hà Tĩnh cần có hai quyết định bắt buộc là:
(a) Quyết định của TTCP cho phép đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện (Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Điều 37 (Dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư);
(b) Ngoài ra đối với dự án với thời hạn đầu tư 70 năm phải được Chính phủ quyết định (Luật Đầu tư 2005, Điều 52 “Thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu hoạt động dự án và không quá năm mươi năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không quá bảy mươi năm.” Lưu ý rằng Hiến pháp 2013, Điều 95 nêu rõ Chính phủ là gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.., chứ không phải của Thủ tướng)
Nhưng thực tế đến thời điểm hiện tại dự án Formosa Hà Tĩnh chưa có 2 quyết định này; tuy  nhiên Nguyễn Nhật và Võ Kim Cự đều lý giải rằng Thủ tướng Chính phủ và các Bộ/ ngành đã đồng ý, và dự án này nằm trong khu kinh tế Vũng Áng. Lý luận của Nhật và Cự là lấp liếm, là chống chế mà thôi, do khu kinh tế này Thủ tướng mới chỉ phê duyệt đến năm 2025. Vì vậy quá rõ ràng Nguyễn Nhật và Võ Kim Cự đã có hành vi cố ý làm trái pháp luật.
/ Nguyễn Nhật (thứ 2 từ phải qua), tay đút túi quần chỉ đạo triển khai nhanh dự án Formosa. Nguồn: internet
2) Nguyễn Nhật có dấu hiệu bất chấp các quy định pháp lý, tạo ưu đãi cho Formosa về thuế, phí…
Ngoài việc cấp phép cho Formosa khởi công xây dựng dự án 70 năm trái pháp luật, Nguyễn Nhật tham mưu chính và cùng Võ Kim Cự triển khai hàng loạt chủ trương và hành động bất chấp các quy định pháp lý như
(a) Chỉ đường cho Formosa cách chạy để hưởng hàng loạt ưu đãi, rõ ràng nhất và thiệt hại cho nhà nước nhất là cho Formosa được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong 15 năm kể từ khi dự án bắt đầu hoạt động kinh doanh; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo;
(b) Cam kết ưu đãi khi dự án đi vào hoạt động, UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án;
(c) Sau khi quyết toán thuế, nếu bị lỗ thì Formosa được chuyển khoản lỗ sang những năm sau để trừ vào thu nhập chịu thuế, thời gian chuyển lỗ không quá 5 năm;
(d) Formosa được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải chuyên dùng để tạo tài sản cố định của dự án trong 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu sản xuất, vật tư, linh kiện và bán thành phẩm phải nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất được;
(e) Formosa được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập cao, bao gồm cả thu nhập thường xuyên và không thường xuyên, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài, làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng;
(g) Formosa được hỗ trợ giảm 50% chi phí quảng cáo trên Báo Hà Tĩnh và Đài Phát thanh truyền hình Hà Tĩnh cho sản phẩm mới của nhà máy trong thời gian 1 năm.
3) Với vai trò chỉ đạo chính, Nguyễn Nhật vi phạm pháp luật về thu hồi, bồi thường, cưỡng chế, tái định cư,… cho các hộ dân trong dự án Formosa:
(a) Cho thuê 33 km2 đất, (để dễ so sánh, diện tích này lớn gấp 1,2 lần diện tích Ma Cao – Trung Quốc; tương đương diện tích của 4 quận nội thành Hà Nội: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng), gồm đất liền và bờ biển chạy dọc gần Đèo Ngang đến đường xuống cảng Vũng Áng, Kỳ Anh – Hà Tĩnh cho Tập đoàn Formosa, Đài Loan – Trung Quốc để làm dự án đầu tư. Với thời hạn 70 năm, giá thuê 96 tỷ đồng VN trong 70 năm ( tức là chỉ khoảng 3,45 đồng/1m2 /01 tháng; có nghĩa là nhịn uống 1 ly nước trà 5.000 đồng thì thuê được 1450 m2 đất mà Nguyễn Nhật – Võ Kim Cự cho Formosa thuê tại Vũng Áng trong 1 tháng).
(b) Trong quá trình triển khai, Nguyễn Nhật đã cho Formosa đã đào một con sông và xây “chiến lũy” chạy dọc theo đường Quốc lộ 1A, trở thành như một vùng lãnh thổ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trên vùng đất này. Chính quyền huyện Kỳ Anh và tỉnh Hà Tĩnh gấp rút triển khai ép buộc, cưỡng bức hơn 1.300 nghìn hộ dân với khoảng 33.000 nhân khẩu rơi vào cảnh cùng cực, đền bù không đúng, tái định cư đưa dân đến nơi như “ấp chiến lược”, không còn lối thoát cho cuộc sống hôm nay và mai sau.  Người dân ở Kỳ Anh đã bức xúc, kêu cứu nhiều năm trước, một vài dẫn chứng cụ thể là:
+ Dự án trên, đã triển khai thực hiện không đúng Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 03/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế hoạt động của khu kính tế Vũng Áng – tỉnh Hà Tĩnh và Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 20/08/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vũng Áng – tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025. Đáng chú ý là trong các Quyết định trên của Thủ tướng đã nói rõ về khu dân dụng: “Các khu tái định cư: các hộ dân không gắn với nghề biển được bố trí đan xen trong các khu đô thị mới; các hộ dân gắn liền với nghề biển được bố trí ở ven sông Quyền thuộc xã Kỳ Hà và khu vực phía Tây núi Bàn Độ; các hộ dân làm nông nghiệp được bố trí ở chân núi Hoành Sơn phía Nam quốc lộ 1A đã nắn tuyến. Các khu dân cư nông thôn: được giữ nguyên vị trí hiện trạng; đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội và tạo việc làm cho các cư dân trong độ tuổi lao động”.
Đau đớn thay! Đất dưới chân núi Hoành Sơn phía Nam quốc lộ 1A đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện đã giao cho doanh nghiệp hoặc bán cho tư nhân. Dẫn đến đất tái định cư cho dân được tiến hành “lấy chỗ này đập chỗ khác”, dân được định cư thì đưa lên vùng đồi núi; nhiều gia đình không có đất để làm nông nghiệp, không làm được nghề biển,… tập trung như: “Ấp chiến lược”, gió bấc, gió lào, nuôi gà gà chết, nuôi chó chó bỏ đi, dân chỉ biết ngẩng mặt lên trời mà kêu than;
+ Nguyễn Nhật đã chỉ đạo cấp huyện triển khai vi phạm pháp luật đất đai, không có quyết định thu hồi đất của từng hộ gia đình, vấn đề này đã được UBKTTWĐảng kết luận; thời gian đó nhiều văn bản không đưa bản chính mà chỉ đưa bản photo cho dân, số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng không công bố cụ thể mà chỉ bắt ép dân đến lấy, còn bao nhiêu tiền đúng sai dân khiếu nại không cần biết. Như hộ gia đình ông Nguyễn Đình Phiên ở xã Kỳ Thịnh: tại Quyết định số 2568/QĐ-UBND ngày 31/8/2010 của UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự toán kinh phí bồi thường cho gia đình ông Nguyễn Đình Phiên là 962 triệu đồng, nhưng UBND huyện Kỳ Anh đưa 03 văn bản cùng số (018/BBTT) không đóng dấu, nhưng cùng ngày (01/10/2010) cho gia đình ông Phiên với ba mức giá bồi thường khác nhau (962 triệu đồng, 636 triệu đồng, 622 triệu đồng); như vậy, gia đình ông Phiên được nhận số tiền nào? Sự chênh lệch và thiệt hại chỉ riêng hộ gia đình ông Phiên là hơn 300 triệu, dân thiệt hại còn tiền đó vào túi ai?
Dân thắc mắc thì không giải đáp, không nhận đền bù thì cưỡng chế, dân phản ứng thì bắt giam xét xử quy tội cho bằng được. Thử hỏi pháp luật ở đâu trên thế giới này có tình trạng như vậy không? Tất cả những bức xúc này gây ra cho dân đều do Nguyễn Nhật chủ mưu và trực tiếp chỉ đạo.
+ Nguyễn Nhật còn sử dụng lực lượng Quân đội để cưỡng chế thu hồi đất của hộ dân, làm trái với chỉ thị của Bộ Quốc phòng (Quyết định số 2766/QĐ-CC ngày 21/11/2011 và Kế hoạch số 259/KH/UBND ngày 30/10/2011 của UBND huyện Kỳ Anh phản ánh điều đó, không khác gì việc triển khai 1 cuộc chiến với dân);
+ Nguyễn Nhật đã áp dụng nhiều giải pháp quái đản, như quy định ai có con cháu, anh em đang làm việc trong Cơ quan huyện Kỳ Anh, thậm chí là trong tĩnh Hà Tĩnh, mà không yêu cầu gia đình nhận tiền bồi thường đền bù, tự nguyện giao trả mặt bằng (dù đúng hay sai) thì bị sa thải, chuyển ngành; ai là đảng viên có nguy cơ bị khai trừ; ai muốn đăng ký kết hôn, xin xác nhận lý lịch, hay khai sinh cho con mới sinh, xin xác nhận thẩm tra lý lịch vào Đảng,… mà gia đình không nhận tiền đền bù, tự nguyện giao trả mặt bằng,.. sẽ không được giải quyết; dùng mọi biện pháp ngăn cản dân đi hoặc gửi đơn khiếu nại tố cáo đến các cơ quan Trung ương… Thử hỏi trên thế giới này, có nơi nào người dân bị áp bức, bị đè nén đến như vậy không!
4) Nguyễn Nhật cố ý làm trái pháp luật nhiều dự án khác, có dấu hiệu tham nhũng, lợi ích nhóm .
Nguyễn Nhật khi còn làm Tổng Giám đốc Tổng công ty Khoáng sản Hà Tĩnh, chủ yếu làm khai thác và xuất khẩu Titan, chưa biết đưa được lợi ích gì cho quê hương, cho đất nước nhưng có thể nói là một trong những người làm ảnh hưởng đến môi trường của Hà Tĩnh. Nguyễn Nhật kiếm bộn tiền từ xuất khẩu khoáng sản để chạy lên chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài dự án Formosa có “công” làm “biển chết”, còn nhiều dự án khác mà trong đó đơn cử có thể kể đến “rừng hết” và “chợ mất” như sau:
(a) Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có diện tích đất và dân số nhỏ nhất cả nước, khoảng cách từ bờ biển đến biên giới với Lào là ngắn nhất. Có diện tích rừng là 276.000 ha, vậy mà trên 3 huyện giáp Lào là Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê có 12 dự án công trình thủy điện đã, đang và sẽ mọc lên. Những dự án do Nguyễn Nhật-nguyên Phó Chủ tịch phụ trách công nghiệp trực tiếp chỉ đạo – không chỉ góp phần phá hủy rừng núi, cây cối, động thực vật, hệ sinh thái, sông suối; thu hồi đất nông nghiệp – trồng rừng là nguồn sống chính của dân;…mà còn tạo nên những “quả bom nước” có thể vỡ bất cứ lúc nào nhấn chìm và cuốn trôi nhà cửa, tài sản và tính mạng người dân
(b) Nguyễn Nhật dùng thủ đoạn để tham nhũng, lợi ích nhóm trong 02 dự án chuyển dời 02 chợ truyền thống là Chợ huyện (cũ) Kỳ Anh và Chợ Hồng Lĩnh về tay 2 doanh nghiệp tư nhân; các doanh nghiệp phải lại quả thông qua hai dự án này riêng cho Nguyễn Nhật tổng cộng 18 tỷ đồng
Một con người cơ hội, ra mặt đạo đức giả, bòn vét không từ thứ gì của dân, câu kết với Formosa để đầu độc môi trường biển các tỉnh miền Trung, đẩy người dân lương thiện vào bước đường cùng… như Nguyễn Nhật, dùng tiền kiếm được để luồn lách lên tới Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, rồi khi nghe thấy Formosa có mùi của pháp luật, đã tìm cách chạy khỏi Hà Tĩnh, rồi leo tới chức Thứ trưởng Bộ GTVT…
Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng Nguyễn Nhật chắc chắn không thoát khỏi lao lý, vành móng ngựa và còng số 8 hẳn đang chờ đợi ông ta!
CQ /BaSam
NHỮNG NGHI VẤN CHÍNH TRỊ TRONG DỰ ÁN FORMOSA HÀ TĨNH
FB NGUYẾN AN DÂN/ BVB 27-2-2017
Ông Hoàng Trung Hải tại hiện trường vụ sập giàn giáo ở Formosa

Như chúng ta đã phân tích, có thể thấy vai trò nút mở của dự án Formosa Hà Tĩnh (FHS) là ông Võ Kim Cự và tỉnh ủy, ủy ban Hà Tĩnh ở cấp địa phương, còn ở trung ương thì nút thắt để mở ra là ở ông Hoàng Trung Hải.
Có nhiều bạn đọc vào comment ở FB mình và ở nhiều FB khác là phải truy tới những cấp cao hơn ông Hoàng Trung Hải bằng những cái tên A, B nào đó được nói ra.
Chúng ta có quyền nghi vấn, nhưng trong đấu tranh chính trị, muốn có hiệu quả và sống lâu thêm chút, thì nói phải có logic, dẫn chứng, lập luận cụ thể..không thì rất dễ bị tự mắc mưu hay bị gán ghép là âm mưu phe phái trong triều đình.
Thời kỳ ông Hoàng Trung Hải ký nhiều ưu đãi và chủ động "trợ giúp" cho dự án này, ông là phó thủ tướng phụ trách công nghiệp, ủy viên BCHTW nên hoàn toàn có thẩm quyền chính thức để đại diện cho nhà nước cấp phép cho 1 dự án kinh tế, nên muốn quy vào vấn đề chính trị thì phải coi bản thân dự án FHS có mang tính chính trị hay không.
Nếu nó có tính chính trị thì chúng ta mới có quyền suy luận, đánh giá tiếp coi phía sau ông Hoàng Trung Hải còn có các thế lực khác hay không.
Động cơ gì để đầu tư cho FHS ?
Nếu nói FHS đến VN để đầu tư nhằm đôi bên cùng có lợi, FHS có lợi ích kinh tế qua bán sắt thép và nhà nước VN thu được ngân sách, thuế má (bên cạnh giải quyết lao động-việc làm) thì e rằng còn thiếu.
  1. a) Từ năm 2000-2004, thị trường thép thế giới nói chung là bội thu, đỉnh điểm là năm 2004 thì có nhiều tập đoàn thắng lớn về lợi nhuận. Điều này e rằng chính là động cơ ra đời của nhà máy thép Vân Lâm do Formosa đầu tư ở Đài Loan, cũng với quy mô dự án là 10 tỷ USD (tương đương FHS).
Nhưng đến đầu năm 2008 thì tình hình thay đổi, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ kỹ thuật của nhà máy thép (tổng thầu EPC của Formosa Vân Lâm cũng là tổng thầu EPC của FHS, tập đoàn luyện kim MCC của Trung Quốc); nắm tình hình gây ô nhiễm môi trường của Formosa ở các nước như Capuchia và ở Mỹ, các thành viên đảng Dân tiến (trong đó có bà Thái Anh Văn) ủng hộ nhân dân Vân Lâm biểu tình phản đối quyết liệt việc xây dựng nhà máy thép của Formosa. Nhà máy thép khổng lồ này bị đóng băng và Formosa Đài Loan có nguy cơ rơi vào khủng hoảng.
  1. b) Từ năm 2005 trở đi thì ngành thép thế giới khủng hoảng thừa và dĩ nhiên FormosaĐài Loan phải biết. Thế nên nếu nói rằng ngay khi đó mà họ chuẩn bị cho quyết định đầu tư vào VN bằng dự án FHS thì e rằng không thể.
Từ a) và b) chúng ta có thể thấy rằng dự án FHS ở Hà Tĩnh thực chất là để gỡ thế bí cho Formosa Đài Loan, bằng cách "di chuyển" dự án nhà máy thép Vân Lâm ở Đài Loan sang thực hiện ở Hà Tĩnh.
Thế nên mới có chuyện một dự án khổng lồ 10 tỷ USD mà hồ sơ dự án chỉ mất có 6 tháng từ báo cáo tiền khả thi cho đến được cấp giấy chứng nhận đầu tư, vì chỉ cần bê nguyên xi hồ sơ dự án Vân Lâm độn vào hồ sơ FHS là xong.
  1. c) Về pháp nhân, FHS lại là 1 dự án con của 1 công ty là công ty Formosa Cayman, có trụ sở ở..xứ Cayman, là thiên đường cho các hoạt động tài chính mờ ám như chuyển giá, trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố..vì sao Formosa Đài Loan thiếp lập Formosa Cayman và đặt FHS trực thuộc cái công ty ảo này ?
Như vậy có thể thấy rõ qua phân tích này, chúng ta thấy ra 4 việc
1/ Formosa Đài Loan vì muốn xử lý khủng hoảng do dự án Vân Lâm bị đóng băng nên chạy sang VN để giải tỏa bế tắc chứ không phải vì có thiện chí với VN từ đầu.
2/ Yếu tố vốn Trung Quốc đã có từ trước khi dự án FHS thai nghén, tổng thầu EPC của nó là tập đoàn MCC đã có thỏa thuận với Formosa Đài Loan từ trước khi trình dự án cho chính phủ VN. Thế nên khi có tin tức rò rĩ ra là MCC "giúp vốn" cho FHS, lãnh đạo FHS và nhiều quan chức VN lên báo gạt phăng đi.
3/ Khủng hoảng thép thế giới có từ năm 2005, Formosa Đài Loan và MCC phải biết là với giá thành thép có đủ yếu tố xử lý bảo vệ môi trường thì lỗ chắc, nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi dự án, thế là chỉ có khả năng hoặc là bỏ hẳn vấn đề bảo vệ môi trường, hai là có động cơ chính trị. Khả năng nào thì Việt Nam cũng ăn quả đắng, và đã bị.
4/ FHS có ý định gian dối tài chính ngay từ đầu với pháp nhân mẹ của nó nằm ở xứ Cayman.
Như vậy cho thấy vấn đề Formosa là có dấu hiệu ban đầu của yếu tố chính trị, mà đã có yếu tố chính trị thì e rằng ngay như ông Hoàng Trung Hải khi đó cũng chỉ mới là phó thủ tướng, cũng chưa phải là nhân vật chính.
FB Nguyễn An Dân
QUAN HAY DÂN, AI PHẢI TRẢ GIÁ? HAY LÀ TRU TÌM TIẾP NHỮNG KẺ ĐANG GIẤU MÌNH
BH/ BVN 27-2-2017

Trong bài viết trước, tôi đã nói chi tiết về Võ Kim Cự, nguyên Trưởng ban Quản lý các khu kinh tế Hà Tĩnh, từng là Phó chủ tịch, Bí thư Hà Tĩnh, hiện là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã VN, thành viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và Nguyễn Thái Lai, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Câu chuyện Formosa được vẽ ra, chắc chắn không chỉ bởi bàn tay của hai cá nhân ấy. Trong bài viết này, tôi sẽ cung cấp thêm vài dữ liệu cho các anh chị tham khảo để nhìn rõ những ai đã mở toang cửa rước Formosa vào VN, những người đã quản lý "tốt", những người đã nâng cao nhận thức về môi trường của Nhân dân và ý thức hơn về cách để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình…
1. Ai nghèo mà được bình yên?
Sau Võ Kim Cự, khi nói đến Formosa, người tiếp theo tôi nhớ đến là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải. Ấn tượng nhất của tôi về ông là quan điểm thà nghèo nhưng bình yên. Có lẽ vì tôi chỉ là một thường dân bé mọn, một phụ nữ quanh quẩn góc bếp nên suy nghĩ khác nhiều. Tôi vẫn nghĩ, không một đất nước nào nghèo mà có thể bình yên. Cái nghèo thường luôn đi kèm với sự phụ thuộc, sự đớn hèn. Cái nghèo dẫn đến bất ổn xã hội. Trong suy nghĩ giản đơn của mình, tôi cho rằng một nhà lãnh đạo nhất thiết phải là người có khát khao và hành động để làm cho đất nước trở nên giàu có và bình yên, chứ không an phận chấp nhận cái nghèo.
Trở lại câu chuyện Formosa, tôi được biết vào cuối năm 2007, đầu năm 2008, thời điểm Formosa xin vào Vũng Áng và trong suốt thời gian Formosa xây dựng nhà máy tại Hà Tĩnh, ông Hoàng Trung Hải là Phó thủ tướng Chính phủ, phụ trách nhiều vấn đề nảy sinh ở dự án Fomosa Hà Tĩnh.
Ngày 24-12-2007, phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có buổi làm việc với Formosa để nghe Tập đoàn này báo cáo về dự án đầu tư khu luyện gang thép 15 triệu tấn/năm và cảng nước sâu Sơn Dương. Sau buổi làm việc, thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Hoàng Trung Hải, Formosa đã xây dựng báo cáo đầu tư về hai dự án trên. Theo đó, thời gian xây dựng lò cao số 1 được rút ngắn từ 48 tháng xuống còn 36 tháng.
Ngày 4-3-2008, ông Hoàng Trung Hải là người ký văn bản chấp thuận chủ trương cho Formosa đầu tư nhà máy thép ở Vũng Áng. Cần rạch ròi rằng, thu hút FDI là cần thiết để phát triển kinh tế. Phát triển ngành thép cũng cần thiết. Nhưng, với lý lịch gây ô nhiễm môi trường của Formosa, lại là một dự án quy mô lớn ở một lĩnh vực có nhiều nguy cơ phá hoại môi sinh, trong khi hoàn toàn không có kinh nghiệm ở lĩnh vực luyện thép, thì rõ ràng chấp thuận cho Formosa vào Hà Tĩnh là một quyết định đầy dũng cảm mang tính đột phá và tiềm ẩn rủi ro cao.
Sau khi được Võ Kim Cự cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong quá trình triển khai dự án, Formosa nhận được hàng loạt ưu ái. Trong số đó phải kể đến ưu ái về thuế. Giấy chứng nhận đầu tư ký cho Formosa không có mục nào cho thấy tập đoàn này được miễn thuế tài nguyên và phí môi trường đối với hoạt động khai thác cát san lấp nền. Luật Thuế Tài nguyên cũng không có quy định nào miễn thuế đối với trường hợp như Formosa. Thực tế Formosa có một nhà thầu Bỉ thực hiện hút cát từ biển để lấy cát san lấp nền thực hiện xây dựng khu luyện thép, thay vì phải mua cát.
Ngày 3-7-2014, Thanh tra Chính phủ có văn bản kết luận một số vấn đề liên quan đến quản lý đất đai và xây dựng của Hà Tĩnh, trong đó có nêu rõ Hà Tĩnh chậm thu thuế tài nguyên và thu chưa đủ phí môi trường đối với cát dùng để san lấp nền trong dự án xây dựng nhà máy luyện thép Formosa, chưa thu phí xả thải là không đủ quy định. Đến thời điểm ban hành kết luận, Formosa đã nộp phí tài nguyên.
Trùng hợp là trước đó, ngày 29-6-2014 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Tài chính tạm ứng 250 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương cho Hà Tĩnh để hoàn trả số tiền thuế tài nguyên và phí môi trường đã thu của Formosa.
Trước đó nữa, vào đầu tháng 1-2013, Formosa kiến nghị Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải xem xét nhiều hạng mục dự án cần nhận được sự hỗ trợ. Trong đó có trang 14 của văn bản nói về vấn đề xin cấp giấy phép thi công và giấy phép xây dựng. Văn bản của Formosa viết như sau: Theo đúng quy trình, sau khi toàn bộ các công trình thuộc dự án hoàn thành thiết kế cơ bản, chủ đầu tư phải cung cấp bản vẽ và tư liệu, sau khi được Bộ Công thương phê chuẩn sẽ xin Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cấp giấy phép thi công và giấy phép xây dựng. Nhưng vì quy mô dự án lớn, nếu chờ các công trình hoàn thành thiết kế cơ bản, sau đó xin giấy phép thi công thì sẽ kéo dài thời gian xây dựng. Do đó, hình thức xây dựng dự án là tiến hành đồng thời giữa thiết kế và thi công, nhiều hạng mục đã được tiến hành thuận lợi dưới sự giúp đỡ của Chính phủ và Hà Tĩnh.
Formosa cho biết, vào tháng 12-2012, thiết kế cơ sở của dự án đầu tư đã được gửi lên Bộ Công thương. Tập đoàn này kiến nghị Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho phép trong thời gian chờ hoàn thành thủ tục thì Formosa vẫn được thi công xây dựng. Sau khi hoàn thành thẩm duyệt hồ sơ sẽ xin giấy phép thi công và giấy phép xây dựng.
Như vậy nghĩa là, Formosa xin cơ chế thi công dự án trước khi thiết kế cơ sở được phê duyệt, xây dựng các công trình trước khi có giấy phép xây dựng. Đến giờ, Formosa có được hưởng cơ chế này hay không, tôi cho rằng những người có trách nhiệm hoàn toàn có thể kiểm tra xem Formosa có giấy phép xây dựng hay chưa, nếu có thì ở thời điểm nào và thực tế họ đã xây dựng các hạng mục công trình từ thời điểm nào?
Việc Formosa có thể tự ý xây dựng nhà máy luyện cốc bằng công nghệ dập cốc ướt thay vì cốc khô như báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt vào tháng 6-2008, cùng với 52 lỗi vi phạm khác, đã là một câu trả lời. Khi trao đổi với tôi, một vị lãnh đạo cấp cục ở Bộ Công thương nói, xây dựng không có giấy phép thì chỉ trời mới biết họ làm cái gì trong khu đất ấy.
2. Ngồi xổm trên luật
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai đã bị kết luận có sai phạm nghiêm trọng khi cấp giấy phép xả thải cho Formosa ra biển. Đường ống xả thải của Formosa được đặt ngầm ở độ sâu 17m, nằm ngoài khơi Vịnh Sơn Dương. Vị trí đặt ống xả thải này là trái luật bởi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, đường ống xả thải phải đặt ở vị trí sẽ quan sát, thuận tiện cho kiểm tra giám sát. Quá trình cấp phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa tham vấn người dân theo đúng quy định.
Như vậy, đường ống xả thải ra biển của Formosa là một di sản trái luật. Chính ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nói vào ngày 29-4-2016 rằng, luật quy định đường ống phải đảm bảo thật sự thuận lợi cho các cơ quan kiểm tra, như vậy không thể để ngầm được. Tới đây, Formosa phải đưa đường ống ngầm này lên để thuận tiện cho việc theo dõi, giám sát.
Tuy nhiên, đến ngày 4-7-2016, cũng vẫn là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng ông Trần Hồng Hà lại nói, vấn đề không phải là đường ống ngầm mà là nước thải trước khi thải ra môi trường trong ống ngầm này đã được xử lý đạt tiêu chuẩn hay chưa, việc kiểm soát để đảm bảo chắc chắn nước thải đảm bảo an toàn có minh bạch không, khi có sự cố thì phương án dự phòng là gì? Nếu nước thải đã được xử lý đạt tiêu chuẩn, thì vẫn có thể thải qua các ống ngầm đã xây dựng.
Tôi đồng ý với quan điểm vấn đề nằm ở nước thải đã được xử lý hay chưa. Nhưng năng lực kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng tồi tệ ra sao đã được Nhân dân cả đất nước này thấy rõ qua vụ việc cá chết ở miền Trung. Hơn nữa, một nhà đầu tư có thâm niên phá hoại môi trường như Formosa thì thật khó để tin tưởng. Chừng nào còn tồn tại một cái cống ngầm thì chừng đó chẳng ai biết họ sẽ tống thứ gì ra biển miền Trung. Hơn nữa, cần lưu ý là đường ống ấy đặt ngầm là trái quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Thế nên, ông Trần Hồng Hà không thể dùng quyền lực Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường của mình để thừa nhận một thứ trái luật. Cho một thứ mà chính mình đã khẳng định là trái luật được tồn tại, liệu đó có thể coi là hành vi ngồi trên luật?
Thử hỏi, còn ai tin tưởng một người như thế đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường?
3. Dối trời lừa dân
Trong câu chuyện về Formosa, tôi tuyệt đối không thể nào quên hình ảnh các quan chức ăn hải sản để an lòng dân ở Hà Tĩnh, Quảng Bình. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Thân là người đứng đầu ngành y tế, gác cửa ở lĩnh vực an toàn thực phẩm, chăm lo sức khoẻ cho 92 triệu dân, nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại có những hành động không thể nào chấp nhận được.
Cụ thể, khi sự việc cá chết còn đang gây hoang mang dư luận và chưa biết nguyên nhân từ đâu, vào ngày 1-5-2016, bà Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng: Bộ Y tế đã lấy mẫu nhiều loại hải sản tươi sống do ngư dân đánh bắt về như tôm, cá, ốc, sò, mực, một số loại rau để phân tích.
Kết quả đo được thì các chỉ số đều an toàn đối với sức khỏe con người. “Thông tin rất quan trọng là hải sản tươi sống đều an toàn. Riêng các mẫu hải sản ở Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế ngày 2/5 sẽ có kết quả”.
Ngày 3-5, bà Tiến khoe trên facebook một tấm hình đang cùng thuộc cấp của mình ăn tiệc hải sản ở Hà Tĩnh để truyền đi thông điệp hải sản an toàn.
Thực tế thì sao, hải sản chết do nhiễm chất độc phenol, cyanua từ trong chất thải độc hại mà Formosa xả ra biển miền Trung. Đến tháng 8-2016, chính ngành y tế kiểm nghiệm vẫn phát hiện tại Hà Tĩnh có mẫu cá trạng buồn nhiễm cadimi vượt ngưỡng giới hạn tối đa, cá mỏ neo, cá đuối, ghẹ ba mắt, cá nhồng… nhiễm cyanua và mẫu cá đuối, ghẹ ba mắt, cá man nhiễm phenol. Tại Quảng Bình, thời điểm này vẫn phát hiện mẫu ghẹ nhiễm phenol.
Đó là chưa kể, trong tháng 7-2016, ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm phát hiện tới 25,9% mẫu hải sản nhiễm kim loại nặng. Thêm nữa, tại thời điểm xảy ra cá chết, các nhà khoa học lấy mẫu phân tích cũng đã phát hiện các mẫu hải sản bị nhiễm phenol và cyanua.
Lương tâm một con người không cho phép nói rằng hải sản an toàn để người dân tiếp tục ăn hải sản đang chứa những chất cực độc. Đó là hành động dối trên lừa dưới, dối trời lừa dân, coi thường sức khoẻ của nhân dân, đầu độc dân. Vậy Bà Tiến tiếp tục ngồi ghế Bộ trưởng y tế để làm gì?
Một cá nhân khác tôi cho rằng trí tuệ thấp, nhân cách kém, cần phải bị xem xét xử lý kỷ luật, đó chính là Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn. Khi miền Trung xảy ra thảm hoạ cá chết, người dân Hà Tĩnh lo lắng, nhân dân cả nước hoang mang, ông Đặng Ngọc Sơn nói rằng người dân cứ yên tâm ăn cá, cứ yên tâm tắm biển. Đây là một lời nói trấn an dư luận không dựa trên bất cứ cơ sở khoa học nào. Điều này có thể để lại hậu hoạ khôn lường. Xét cả tâm và tầm, ông Sơn không đủ để ngồi ghế Phó thường dân chứ đừng nói Quan Phụ mẫu của 1 Tỉnh.
Còn những cái tên khác cũng xuống tắm biển, ăn cá để trấn an dư luận, mọi người có thể giúp tôi liệt kê bằng các comment phía dưới bài viết này. Nếu tôi liệt kê ra hết thì tẩu hoả nhập ma mất.
4. Ai cầm đèn chạy trước ô tô?
Trong phần một “Lạc nước hai xe đành bỏ phí...” của chủ đề “Formosa – Cái giá phải trả”, tôi đã viết khá chi tiết về những sai phạm của Nguyễn Thái Lai và Võ Kim Cự. Các anh chị có thể đọc theo mạch bằng cách vào link này: https://www.facebook.com/bachhoanvtv24/posts/1881213928792520
Về một số ý kiến cho rằng, Võ Kim Cự không thể tự cho phép Formosa được đầu tư 70 năm, tôi sẽ thông tin thêm vài dòng. Thực tế ông Cự đã tự ý cam kết với Formosa trước khi cấp phép.
Về chủ trương đầu tư, Chính phủ chỉ chấp thuận cho Formosa đầu tư nhà máy thép, chứ không phải chấp thuận cho đầu tư 70 năm. Muốn được đầu tư 70 năm, Hà Tĩnh cần có văn bản xin ý kiến và Chính phủ phải chấp thuận bằng văn bản giấy trắng mực đen.
Giấy trắng mực đen cho thấy, ngày 3-7-2014, Thanh tra Chính phủ kết luận Hà Tĩnh cấp phép cho Formosa thời hạn 70 năm khi chưa được Chính phủ đồng ý là trái quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư 2005. Thanh tra Chính phủ kiến nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét xử lý.
Ngày 1-8-2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tiếp tục giữa thời hạn 70 năm cho Formosa. Sau đó, Chính phủ chấp thuận kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Như vậy, ông Cự không cầm đèn chạy trước ô tô thì ai vào đây?
Phần 2 của chủ đề “Formosa – Cái giá phải trả”, tôi chỉ mong mọi người có thêm dữ liệu, chứ không có niềm tin và kỳ vọng gì nhiều. Bằng chứng là sau những hành động ở vụ cá chết vào tháng 5-2016, đến tháng 7-2016, bà Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục được phê chuẩn là Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tuy nhiên, như tôi vẫn nói, vụ Formosa sẽ đi vào lịch sử không chỉ là câu chuyện vi phạm của một nhà đầu tư, không phải chỉ là một sự cố môi trường như cách người ta gọi tên hiện nay. Câu chuyện về Formosa sẽ đi vào lịch sử về sự lựa chọn, về ứng xử của giới chức với người dân. Lịch sử thì luôn công bằng, nhân dân luôn nhắc nhớ.
B.H.
(Còn tiếp)
(*) Đầu đề là của tác giả, BVN có bổ sung vế sau.
Đọc thêm

Thảm họa Formosa - To hơn ông Võ Kim Cự

Nguyễn An Dân
Trong vấn đề Formosa Hà Tĩnh (FHS) gây họa ngày hôm nay thì lúc này ông Cự không phải là to, có ông còn to hơn hẳn ông Cự, đó là ông Hoàng Trung Hải, đương kim Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Ông Hoàng Trung Hải đi lên từ kỹ sư điện, thời kỳ 2006-2008, khi FHS vào Việt Nam thì ông Hoàng Trung Hải đang là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, là ngành quản lý trực tiếp trong lĩnh vực mà FHS dự định đầu tư.
Năm 2002, khi ông Hoàng Trung Hải là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thì năm 2003 bắt đầu đàm phán mua điện với TQ. Trong quá trình VN đàm phán và ký hợp đồng mua điện, đã có nhiều chuyên gia phản biện là giá mua điện cao, gây thiệt hại cho phía VN, có yếu tố lợi ích nhóm trong đó.
Formosa là một tập đoàn mạnh hàng đầu Đài Loan nên họ quá hiểu những ngoắt nghéo chính trị của thể chế VN. Nên dĩ nhiên khi đầu tư với dự án 10 tỷ USD, họ phải quan hệ chính trị từ trên xuống dưới, từ trung ương xuống địa phương là điều tất yếu. Không ai cầm 10 tỷ USD đi ra làm ăn mà nhờ tỉnh dẫn lên trung ương cả.
Bộ Công nghiệp là nơi quản lý và quy hoạch ngành thép cho VN, nếu muốn mở nhà máy thép quy mô vốn như FHS, tất yếu phải qua Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, và khi đó là ông Hoàng Trung Hải đang nắm giữ.
Do đó tôi không ngạc nhiên khi biết ngày 24-12-2007, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có buổi làm việc với Formosa để nghe Tập đoàn này báo cáo về dự án đầu tư khu luyện gang thép 15 triệu tấn/năm và cảng nước sâu Sơn Dương. Sau buổi làm việc, thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Hoàng Trung Hải, Formosa đã xây dựng báo cáo đầu tư về hai dự án trên.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương cũng từng đặt câu hỏi tương tự, khi nói là FHS đâu phải tự nhiên mà đến với ông Võ Kim Cự. Ông Cự năm 2007 là Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, FHS đến gặp ông trước để làm gì?
Trong vòng 3 tháng sau khi gặp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải, Formosa đã lập xong tờ trình xin đầu tư gửi tỉnh Hà Tĩnh, cùng lúc đó ông Hải được lên Phó thủ tướng phụ trách công thương nghiệp.
Vấn đề thẩm định dự án FHS rất lôm côm, sơ sài, vi phạm pháp luật trong nhiều phần, nhiều thủ tục, nhiều công đoạn mà chính các cán bộ cấp Cục, Vụ của các bộ khi tham gia thẩm định phải chịu áp lực chính trị ông to bà lớn mà phải bỏ qua.
Phải làm rõ các sai phạm mang tính hệ thống, những áp lực ông to bà lớn mà ông Cự và nhiều cán bộ khác nói có liên quan đến vai trò dính dáng từ đầu đến dự án FHS của ông Hoàng Trung Hải hay không?
Formosa Đài Loan chưa hề có kinh nghiệm làm thép, và dự án thép luôn là dự án gây ra ô nhiễm môi trường, và Formosa cũng có tiền sử gây ô nhiễm môi trường khủng khiếp trước đó, không lẽ ở tầm quản lý về chủ trương, ông Hoàng Trung Hải không biết?
Chính ông Hoàng Trung Hải cũng là người ký nhiều chủ trương chấp thuận cho nhiều sai phạm của FHS trong thiết kế, thi công xây dựng khi chưa có giấy phép được hợp thức hóa. Ký ứng tiền ngân sách nộp thuế tài nguyên thay cho FHS, ký công văn đồng ý cho FHS được vay vốn hệ thống ngân hàng trong nước.... Cần làm rõ có yếu tố lợi ích nhóm hay không mà ông Hoàng Trung Hải ưu ái cho FHS nhiệt tình như vậy.
Cự thì là to, nhưng trong quá trình được "nuông chiều sinh hư hỏng" của FHS thì Cự không có to, Cự khi đó cũng bé xíu mà thôi.
N.A.D.

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

20170227. QUANH ĐỀ TÀI 'CHẠY'

ĐIỂM BÁO MẠNG

BẰNG KHEN-MÔN THỂ THAO CHẠY VÀ LÒNG TỰ TRỌNG

KỲ DUYÊN/ TVN 27-2-2017


Trịnh Xuân Thanh, khen thưởng, Nguyễn Xuân Phúc, Đổi mới

Trước thế giới phẳng hôm nay, mọi xấu tốt, hay dở, nhân thân con người rất dễ được công khai, minh bạch.
Có một sự kiện mới diễn ra gần đây, có vẻ ít gây được sự chú ý, nhưng thực ra, vấn đề của nó rất đáng quan tâm. Đó là chuyện thi đua- khen thưởng.
Phải nói rằng, công cuộc Đổi mới của đất nước diễn ra qua 30 năm, diện mạo xã hội và chất lượng (vật chất) đời sống con người thay đổi rõ rệt. Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đã phải đổi mới để tương thích với yêu cầu thời cuộc và cơ chế quản lý mới. Thế nhưng, có một lĩnh vực ít đổi mới nhất, nếu không nói là rất xưa cũ- đó là thi đua khen thưởng. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác này năm 2016 mới đây:
“Việc lãnh đạo được khen thưởng nhiều quá không nên, làm nảy sinh suy nghĩ có huân huy chương thì việc thăng tiến, bổ nhiệm dễ hơn. Còn người tốt thường có lòng tự trọng nên sẽ không đi xin bằng khen, chúng ta phải tìm đến họ để khen thưởng kịp thời” (Dân trí, ngày 23/2).

Không ít người Việt rất trọng cái danh.
Đó là một thực tế đáng suy nghĩ. Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ phản chiếu một thực trạng có thật trong lĩnh vực này. Bản chất của nó nằm ở đâu?
Nước Việt, cho dù trên hành trình hội nhập, vẫn là một xã hội mang nặng tư duy tiểu nông, gia trưởng, tâm lý rất nặng bệnh thành tích. Không ít người Việt rất trọng cái danh. Đến mức người đàn bà trong Trăng sáng vườn chè của Nguyễn Bính đã phải giãi bày về cái danh của chồng nàng: Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy/ Hai bên có lính hầu đi dẹp đường/ Tôi ra đứng tận góc làng/ Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem/ Đêm nay mới thật là đêm. Một tâm lý trọng chức danh đến thế, cộng với đời sống sinh hoạt chưa thật cởi mở, dân chủ, thế nên khen thưởng từ cơ sở, đã “nghiêng hết ấy mấy về bên… quan”.
Có không ít năm, trong danh sách những người được khen thưởng ở các loại hình vinh danh, tôn vinh danh hiệu, số cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo… lấn át số cán bộ chuyên môn. Sự mất cân bằng và có phần thiên vị cấp quản lý kiểu này từ vi mô đến cấp vĩ mô, vô tình làm nhiệm vụ nối dây cho chiếc ghế quyền lực, cho việc thăng tiến, bổ nhiệm, thăng cấp của một số quan chức.
Nhưng đời sống xã hội thời kinh tế thị trường cũng luôn có sự biến động khôn lường, thậm chí đảo lộn và thách thức các giá trị, hôm qua đúng nay đã lại sai rồi. Vụ việc Trịnh Xuân Thanh xảy ra mới đây, khiến cho Ban Thi đua, khen thưởng phải hối thúc Bộ Công Thương làm thủ tục thu hồi những bằng khen, huân chương đã trình xin tặng thưởng cho Trịnh Xuân Thanh, như một cách “sửa sai” khen nhầm người, là một ví dụ cụ thể.
Cũng không phải chỉ đối với những quan chức trên hành trình quan lộ, mà có những trường hợp, quan chức rất tai tiếng đã hạ cánh an toàn, vẫn tiếp tục được khen thưởng huân, huy chương, khiến xã hội hoài nghi chính giá trị của sự khen thưởng này. Trên các trạng mạng xã hội, rộ lên sự bất bình, đàm tiếu. Mà thật ra, khen nhau như thế bằng mười hại nhau. Bởi trước thế giới phẳng hôm nay, mọi xấu tốt, hay dở, nhân thân con người rất dễ được công khai, minh bạch.
Mặt khác, cũng phải nói thẳng, mặc dù trong nền kinh tế thị trường, nhưng cơ chế thi đua- khen thưởng vẫn nặng tính ban phát, xin- cho. Chính cơ chế này tạo ra những kẽ hở để những tiêu cực, bất công vẫn có thể len lỏi vào. Mà môn thể thao “chạy” bất đắc dĩ (bằng khen, giấy khen, huân chương, huy chương) đã từng dạo nào gây bàn luận trên báo chí, các trang mạng xã hội. Cách đây 30 năm, người viết bài đã từng phải bàn về tâm sự một ông hiệu trưởng một nhà trường than thở vì không giỏi “chạy”, vì vậy mà trường ông thua thiệt, không … cán đích. Đó là chuyện thực hay hư? Có lẽ chỉ những người trong cuộc hiểu rõ nhất. 30 năm, có vẻ anh vẫn như ngày xưa.
Nếu lắng nghe, quan sát dường như ở cuộc khen thưởng nào cũng gây ra những “điều tiếng”, những thắc mắc, hoài nghi. Nhất là ở những lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thậm chí gây thắc mắc, đơn từ khiếu nại. Gần đây nhất là chuyện việc thiếu tên nhà thơ Xuân Quỳnh, Thu Bồn… trong đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, mà TT Nguyễn Xuân Phúc phải đặt câu hỏi- do thủ tục, hay do chủ quan?
Thế nên, việc chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ “… người tốt thường có lòng tự trọng nên sẽ không đi xin bằng khen, chúng ta phải tìm đến họ để khen thưởng kịp thời” và “thi đua khen thưởng cần có tính thời sự, phát hiện kịp thời nhân tố mới, khen thưởng kịp thời chứ “xuân thu nhị kỳ” sẽ khó thành công”, liệu có được ngành thi đua- khen thưởng coi đó là tư vấn, là gợi í đổi mới một cung cách làm việc xin- cho hành chính, vốn nặng về thủ tục giấy tờ, thậm chí có phần quan liêu xa rời đời sống, chuyển sang cung cách làm việc bám sát thực tiễn?
Một Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, gần dân không chỉ phản ánh trong hoạt động của các bộ, ngành, mà còn cần được ngành thi đua- khen thưởng phản ánh bằng năng lực đổi mới của chính mình.
Không thể hay có thể?

MỘT ĐÓA HOA CHO NGƯỜI NGÃ NGỰA

TƯỞNG NĂNG TIẾN/ DL/ BVN 26-2-2017


clip_image002
Gian nhân hiệp đảng - Thành ngữ
Nhật ký Vương Trí Nhàn, ghi ngày 14 tháng 8 năm 1979, có đoạn vô cùng xúc cảm. Đọc mà không ứa nước mắt (chắc) cũng ứa gan: “Các bệnh viện quá đông người. Bệnh viện St. Paul khoa nhi ba trẻ con một giường, đêm có đứa ngã xuống đất chết luôn. Không có điện, nhiều trẻ bị chết, các bà mẹ trông cả về Lăng Bác mà khóc”.
Ba mươi năm sau, vào ngày 1 tháng 12 năm 2008, báo Tuổi Trẻ đi tin: “Tám bệnh nhân trên một giường… tại các khoa hô hấp, sốt xuất huyết BV Nhi Đồng 1, bệnh nhân nằm gần kín các hành lang… Ban ngày hành lang còn có lối nhỏ để đi, chứ đến đêm kín mít chiếu. Mỗi gia đình là một khoảnh chiếu, cứ nằm vậy để thay nhau chăm con…”
Những bà mẹ hồi năm 1979 nay đã phải thành nội/ngoại hết trơn. Những em bé thơ, vào thời điểm đó (nếu còn sống sót) hẳn cũng đều làm mẹ cả rồi. Phụ nữ thuộc thế hệ này, chắc chắn, không còn ai “trông về Lăng Bác mà khóc” nữa. Dân Việt - cũng may - tuy ngây thơ thật, ngây thơ lâu, và ngây thơ lắm nhưng không ngây thơ mãi!
clip_image004
Ảnh: vhea.org
Khóc lóc không giải quyết được gì. Để cho người thân có một chỗ nằm ở nhà thương thì điều cần là vài cái phong bì, chứ không phải là những giọt nước mắt.
Ở nhà giam cũng thế, theo lời của cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên:
“Cánh sĩ quan được tắm hàng ngày vào các buổi chiều. Một tuần được 3 lần gội đầu. Nước và thời gian cũng được nhiều gấp đôi cánh tù bình dân. Sĩ quan, là những người tù có tiền. Nói cho chính xác, đám này thuộc diện có gia đình ở ngoài khá giả… Ngay cả chỗ họ nằm, cũng là gia đình lo lót, mua cho. Thời điểm tôi bị giam ở Trần Phú (2008- 2009) mỗi xuất nằm trên sàn trung tâm có giá từ 2 đến 3 triệu đồng. Sàn đối diện giá rẻ hơn một chút, dao động từ 1 đến dưới 3 triệu, tùy theo vị trí”.
Một “xuất nằm” trong nhà thương, hay trong nhà lao mà cũng cần chạy tiền thì có chỗ nào ở nước CHXHCNVN mà không phải lo lót - kể cả chỗ đứng rất khiêm tốn, trước bảng đen/phấn trắng (với đồng lương còm cõi) của những người dậy học.
Trong bức Thư ngỏ gửi Quốc hội & ba bộ trưởng, gửi hôm 17 tháng 10 năm 2015, nhà báo Nguyễn Thu Trang viết:
“Từ năm 2009 đến nay, 185 giáo viên của huyện Sóc Sơn được UBND huyện nhận vào làm với mức giá, trên, dưới 50 triệu đồng/1 người. Không có tiền thì không bao giờ xin nổi việc và ngược lại. Vì muốn có việc làm, nhiều giáo viên phải vay mượn tiền để chạy việc, thông qua các đường dây cò mồi, một số trường, đích thân hiệu trưởng nhận tiền theo giá chung. Nhưng mọi quyết định cuối cùng đều nằm ở huyện…”
Tôi đã đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của họ để viết giúp họ một bức thư, như một tiếng kêu cứu thống thiết, gửi đến những người có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cao nhất có thể xem xét lại giúp họ…”
Nguyễn Thu Trang chắc cũng không ngờ rằng những kẻ “quyền hạn cao nhất” mà bà vừa gửi đến “tiếng kêu cứu thống thiết” cũng phải chạy (thấy mẹ luôn) mới thành được bộ trưởng hay dân biểu quốc hội, chớ chức tước đâu phải là đồ miễn phí. Điều khác biệt duy nhất giữa họ và những cô/thầy giáo (đáng thương) là một đằng chạy chỗ để kiếm sống qua ngày, còn đằng khác chạy chức để đầu tư.
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông cho biết: “Bây giờ chạy vào Quốc hội là bình thường, có tiền là chạy được, có quan hệ thân là chạy được”. Và chạy xong thì “tránh sao khỏi tâm lý ít nhất là hoàn vốn,” theo lời của nhà báo Bùi Hoàng Tám.
Sao hoàn vốn thôi sao, cha nội? Đâu có quan chức nào chịu (“huề”) như vậy? Họ đầu tư là để kiếm lời, bằng mọi cách, càng nhiều càng tốt, bất kể nhân phẩm và đạo lý. Xin đơn cử một trường hợp tiêu biểu, theo Wikipedia:
Võ Kim Cự (sinh 1957) là một chính khách Việt Nam, Bí thư, Chủ tịch đoàn Liên minh HTX Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13khóa 14 thuộc đoàn đại biểu Hà Tĩnh, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Không phải khi không mà ông Võ Kim Cự trở thành Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Đại biểu Quốc hội… Ở một xứ sở mà một chỗ nằm trong nhà thương, hay nhà tù, đều phải mua bằng tiền thì để được trở thành chính khách - tất nhiên - là phải chạy điên luôn!
Ông Cự rất chịu chạy và chạy rất nhanh nhưng - đôi lúc - có lẽ vì chạy bạo quá nên không tránh khỏi dăm ba điều tiếng (eo sèo) của người dân địa phương:
Ông Võ Kim Cự xuất thân từ cán bộ phong trào đoàn xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên. Ông chưa học hết cấp 3, nhưng nghe nói đã có bằng bổ túc công nông. Khi lên làm đoàn xã rồi đến đoàn huyện ở Cẩm Xuyên, ông có một lần bị kỉ luật vì làm cho một cô giáo mầm non bầu bí. Năm 1991, sau khi Hà Tĩnh tách ra từ Nghệ Tĩnh. Hà Tĩnh thành lập công ty khai thác Titan liên kết với Úc có tên là Khoảng sản Hà Tĩnh, tiền thân của Tổng công ty Khoáng sản Thương mại bây giờ. Trong quá trình làm ở Mitraco, ông Cự theo học lớp đại học tại chức luật được tổ chức ở thị xã Hà Tĩnh năm 1995-1997. Khi đó ông Cự là lớp trưởng, một người có vai trò tổ chức đưa đón thầy cô giáo và bố trí nơi ăn, chỗ nghỉ cho các thầy cô về dạy tại chức. Nên khi tốt nghiệp ông Cự đạt loại cao, nhiều người thắc mắc thì có thầy giáo đã trả lời. “Chúng tôi nhờ có anh Cự giúp đỡ trong khi đi dạy ở đây nên chúng tôi cho anh điểm cao là chuyện dễ hiểu”. Sau khi có bằng đại học tại chức, ông Cự lên giám đốc rồi công ty chuyển thành tổng công ty nên ông mang danh Tổng giám đốc. Sau đó vài năm ông lên chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Có nghịch lý là trong những năm ông Cự làm giám đốc Mitraco, nhiều dự án được vẽ ra và không thu được gì. Cuối cùng, các dự án này đều được bán dần để trả nợ (mà nhiều người cho là ông dùng tiền để chạy chức phó chủ tịch tỉnh). Trong khi làm Phó chủ tịch, ông học Thạc sỹ MBA theo chương trình liên kết với Đại học Western Pacific University. Trường này cũng nằm trong danh sách những Scam Universities mà báo chí đã từng nêu. Trớ thêu hơn, ông lại là sinh viên “thủ khoa” của khóa học này.
Trớ trêu hay không thì ông VKC vẫn là người có bằng cấp, học vị “được công nhận” bởi nhà nước hiện hành. Nhờ thế, ông ấy được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban Khu kinh tế Vũng Áng. Sau đó là Chủ tịch UBND tỉnh rồi Bí thư Tỉnh ủy…
Ở địa vị này, ông VKC đã góp phần không nhỏ vào việc cấp phép cho Công ty Formosa mở nhà máy thép ở Hà Tĩnh, và nhận được nhiều ưu đãi “kịch trần” - theo như (nguyên văn) cách dùng từ của báo Đất Việt: “Được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% (doanh nghiệp trong nước là 22%), miễn thuế thu nhập trong bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; miễn thuế tài nguyên…”
Tổng cộng là hơn mười ngàn tỷ đồng tiền hoàn thuế. Theo phỏng tính của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phỏng tính: “Hơn 10.000 tỷ đồng nếu tính vào thời giá cuối năm 2014, đầu năm 2015 thì nó tương đương với 500 triệu USD”.
Thiệt là quá đáng, và quá đã!
Nếu phần lại quả là hai chục phần trăm thì số tiền sẽ là một trăm triệu Mỹ Kim. Ông VKC - tất nhiên - ăn chia tử tế, theo đúng qui trình: đầu tư - hoàn vốn - kiếm lời. Việc làm này hoàn toàn không có gì sai trái nên đương sự được sự tán trợ và ủng hộ nhiệt tình của mọi giới quan chức (lớn/nhỏ) từ trung ương đến địa phương.
Vấn đề chả qua, và chả may, là Formosa lại là đồ độc. Nuốt vào rồi mới biết là lôi thôi lắm, lôi thôi lâu, và e (cả đám) sẽ lôi thôi lớn!
clip_image005
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đón tiếp Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Vũng Áng hồi tháng 9/2014.
Vậy mà sau khi sự việc lỡ vỡ thì không thấy người gian nào (khác) mắc nạn hết trơn hết trọi, ngoài cái ông Kim Cự. Sao kỳ vậy chớ?
Câu hỏi thượng dẫn được blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trả lời rành rọt và chính xác: “Dồn hết sức tấn công ông Võ Kim Cự lúc này là cách cứu vãn hệ thống đúng đắn nhất mà Đảng Cộng sản đã chọn”.
Thôi thế cũng đành. Chỉ có điều (hơi) khó đành và rất đáng phàn nàn là Đảng còn nhẫn tâm và trơ tráo xua ngay cả một bầy chó dại ra sủa nhặng xị cái người đồng chí (vừa mới vừa bị lộ) hôm qua:
Báo Tiền Phong (18/07/2016): “Formosa và ba lần đụng độ ông Võ Kim Cự”
Báo Tuổi Trẻ (22/07/2016): “Ông Võ Kim Cự có trách nhiệm gì trong vụ Formosa thuê đất”
Báo Vnexpress (24/07/16) “Formosa chôn lấp chất thải ở đâu”
Báo Dân Trí (25/07/2016): “Trả lời của ông Võ Kim Cự là lấp liếm”
Báo Người Lao Động 26/07/2016: “Ông Cự quyết cho Formosa thuê đất 70 năm trước khi xin ý kiến”
Báo VnMedia (26/07/2016): “Cận cảnh biệt thự khủng của Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự”
Báo Tin Nhanh (27/07/2016) “Phát hiện căn biệt thự ‘khủng’của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự”
Cái biệt thự to đùng, xây từ 2010, chớ có phải cái kim đâu mà sáu năm sau mới “phát hiện” ra - mấy cha? Trơ tráo tới cỡ đó mà vẫn được xem như là chủ trương “đúng đắn” thì chung cuộc chỉ có sự lựa chọn của ông VKC là sai lầm, và sai ngay từ đầu lận.
Hồi đó, thay vì vào ĐCSVN, nếu ông Võ Kim Cự gia nhập vào một thứ băng đảng nào khác thì đã không đến nỗi. Giới giang hồ đối với những kẻ đồng đảng, hay đồng vụ, tử tế và nghĩa khí hơn nhiều.
T.N.T.