Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

20161025. BÀN VỀ BẢN CHẤT XÃ HỘI VIỆT NAM HIỆN NAY

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐẠI BI KỊCH VIỆT NAM
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 24-10-2016
Kết quả hình ảnh cho chủ nghĩa phát xit
“Đất nước mình ngộ quá phải không anh. Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn” (Trần Thị Lam).
Vâng, ngộ quá. Đúng là một đất nước không chịu phát triển, hoặc đúng hơn là không thể phát triển được vì mắc kẹt vào các nghịch lý, các mâu thuẫn nội tại chưa có cách gì gỡ ra được, đang loay hoay trong đại bi kịch.

1. Chế độ mang danh XHCN mà thực chất không phải XHCN

Chế độ XHCN chỉ mới manh nha ở Liên Xô và Đông Âu một thời gian đã vội tan rã. Theo tưởng tượng của Mác thì XHCN và sau đó CSCN chủ yếu là thể chế kinh tế “làm tùy sức, hưởng theo nhu cầu”, không có bóc lột, không có áp bức. Nền kinh tế đó phải dựa trên công hữu tư liệu sản xuất. Vấn đề lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chuyên chính vô sản chỉ là biện pháp để thực hiện nền kinh tế đó. Trong chế độ XHCN công nhân và nông dân làm chủ nhà máy, ruộng đồng, mọi người sống tự do, hạnh phúc, giáo dục và y tế miễn phí v.v… Nếu hiểu CNXH là như thế thì ở Việt Nam, ngoài việc chuyên chính do Đảng CS thao túng, không có gì đáng kể là XHCN. Không cần dẫn chứng, không phải chứng minh, cứ nhìn vào cuộc sống thực tế là thấy hết. Phải chăng ở Việt Nam người ta chỉ đưa ra nhãn mác XHCN để tuyên truyền, còn thực chất là chế độ gì chưa biết chứ chắc chắn không phải là CNXH.

2. Nước cộng hòa nhưng hành xử theo phong kiến

Chế độ phong kiến ở Việt Nam có nhiều thời kỳ thịnh trị, có vua sáng tôi hiền, dân được sống ấm no hạnh phúc, nhưng cũng nhiều lúc thối nát, gặp phải vua đểu và hèn, quan tham và ngu. Những lúc như thế dân phải chịu trăm đường khổ nhục. Bản chất của phong kiến là quyền bính tập trung vào vua quan, người dân chỉ là “thảo dân” chẳng có quyền gì, phải lo làm để nuôi bọn thống trị. Tội nặng nhất là khi quân (nói hoặc làm khác ý vua), nghĩa là không được tự do tư tưởng, không có tự do ngôn luận. Vua đứng trên luật pháp, cho sống được sống, bắt chết phải chết, nghĩa là không cần tôn trọng nhân quyền. ĐCS đã làm cách mạng đánh đổ phong kiến, nêu danh là nước Cộng hòa XHCN, xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân, không ngờ lại tái lậpphong kiến dưới hình thức khác, không có một ông vua rõ ràng mà vua tập thể, vua ở trung ương, vua tại các địa phương. Không phải tái lập được nền phong kiến thịnh trị mà là phong kiến thối nát. Theo mô tả của Milovan Djilas thì CS đã lập nên một “Giai cấp mới “để thống trị xã hội còn tàn bạo, thâm hiểm hơn bọn phong kiến. Đúng như bài thơ của Trung tướng Trần Độ: Những mong xóa ác ở trên đời / Ta phó thân ta với đất trời / Tưởng ác xóa rồi thay cực thiện / Ai hay cái ác cứ luân hồi. Cái ác mà Trần Độ nói đến là cái ác do bọn thống trị gây ra, bắt dân phải chịu.

3. Là tư bản man rợ nhưng được ngụy trang bằng định hướng XHCN

Chế độ kinh tế tư bản đã bắt đầu bằng những thủ đoạn man rợ, hoang dã như làm giàu trên sự bần cùng hóa công nông, hủy hoại tài nguyên và môi trường. Đó là thời kỳ vào thế kỷ 18, được Mác khảo sát để viết nên Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Tư bản luận, đồng thời tưởng tượng ra học thuyết CNCS. Tiếp theo chế độ tư bản có các thời kỳ phát triển và đến bây giờ đã có những nước được ví là thiên đường nơi hạ giới, như các nước Bắc Âu. ĐCS Việt Nam một thời gian dài đã rất nhầm lẫn khi đồng nhất tư bản với đế quốc xâm lược và quyết tâm làm tên lính xung kích đào mồ chôn chúng nó. Từ năm 1986 Việt Nam cởi trói nền kinh tế, để cho tư nhân phát triển, gọi là đổi mới, nhưng thực ra chỉ là sửa sai để đi theo con đường kinh tế thị trường của tư bản, mà còn đèo thêm định hướng XHCN. Nhiều người thắc mắc ý nghĩa của khái niệm định hướng XHCN, nó có nội hàm và ngoại diên như thế nào. Theo tôi, ý muốn của người đưa ra định hướng XHCN là phải đặt cả nền kinh tế thị trường ấy nằm gọn dưới sự lãnh đạo của ĐCS. Thế thì dưới sự lãnh đạo ấy nền kinh tế Việt Nam phát triển như thế nào. Rõ ràng là nó đang theo sát những thủ đoạn man rợ, hoang dã thời kỳ đầu của kinh tế tư bản, mà còn tệ hại hơn nhiều. Đó là sự cấu kết của bọn người có quyền với bọn tài phiệt trong và ngoài nước nhằm đục khoét, chiếm đoạt tài sản quốc gia, cướp ruộng đất và bóc lột nhân dân, vay nợ nước ngoài để đút túi một phần và để lại cho dân phải trả. Không những cấu kết với bọn tài phiệt mà còn bảo vệ chúng, tôn thờ chúng trong việc phá hoại đất nước (trong nền kinh tế thị trường thực sự hầu như rất hiếm có sự cấu kết này). Thế rồi lãnh đạo chính phủ đi cầu xin hết nước này đến nước khác để họ công nhận cho có nền kinh tế thị trường, nghĩa là đã theo được tư bản. Lúc cầu xin như thế thì cố tình cắt cái đuôi định hướng.

4. Rập khuôn theo phát xít nhưng lại hô hào dân chủ

Sự xâm lược của Phát xít Đức vào Liên xô và sự thắng lợi của Hồng quân trong đại chiến 2 làm nhiều người nhầm, cho rằng CS và phát xít là đối nghịch nhau. Thực ra không phải như vậy. Jeliu Jeliev, một trí thức Bungari, năm 1967 đã viết quyển sách Chế độ phát xít (năm 1990 Jeliu Jeliev được bầu làm Tổng thống của Bun). Đọc xong quyển Chế độ phát xít (Hitler-Đức và Mutxôlini-Ý) mới thấy tổ chức xã hội và sự thống trị của ĐCS Việt Nam gần như sao chép từ chế độ đó. Về nhà nước, đó là việc đặt Đảng bao trùm lên toàn bộ chính quyền và xã hội, tạo ra một chính quyền nữa cao hơn, là việc bầu cử hài hước để tạo ra Quốc hội bù nhìn, là tổ chức công an, mật vụ để do thám tổng thể và đàn áp, là các tòa án bị Đảng thao túng, viện kiểm sát phải phục tùng cảnh sát, là việc dùng thủ đoạn dối trá và bạo lực trong cai trị, là việc bóp nghẹt tự do dân chủ, lập các trại cải huấn v.v… Về nhân dân, đó là cách khống chế mọi tầng lớp xã hội trong các đoàn thể quần chúng, biến nhân dân thành quần thể không tính cách, mọi thứ phải phục tùng đảng, là mâu thuẩn giữa đảng và tầng lớp trí thức chân chính, là sự tan rã của tầng lớp tinh hoa, là sùng bái cá nhân lãnh tụ v.v… Xét về mặt thống trị thì CS và phát xít giống như hai anh em sinh đôi, được bú từ một nguồn sữa. Thế nhưng cứ nghe những lời tuyên truyền thì chế độ CSVN “dân chủ đến thế là cùng”, là dân chủ gấp hàng ngàn, hàng vạn lần các nước tư bản. Không biết họ nói thế và có tin vào điều đó không vì không thấy họ ngượng mồm một chút nào cả. Cũng không biết họ định đánh lừa ai. Hay là họ đã quen cho rằng dân chúng chỉ là một lũ người bảo sao nghe vậy. Mà khổ thay, vẫn có người tin và phụ họa lời họ nói.
CSVN và phát xít giống nhau nhiều điểm về thống trị, về đàn áp, nhưng có vài điểm CS không học được phát xít, đó là sự minh bạch và vững mạnh của chính quyền, là sự phát triển kinh tế hùng hậu. Cũng chưa nghe nói đến đảng phát xít phải ra nghị quyết làm trong sạch và chỉnh đốn.

5. Đại bi kịch

Tóm lại xã hội Việt Nam hiện nay là sự trộn lẫn các phần của CNXH, phong kiến, tư bản, phát xít, mà thảm thương thay lại chủ yếu là trộn lẫn những phần xấu xa nhất, tệ hại nhất của từng chế độ để tạo nên một đại bi kịch cho xã hội (về hiện tượng, nhiều người thấy rõ, xin không kể ra dài dòng). Sẽ có người hỏi, nói như vậy có bôi đen quá mức không? Sao không nhìn vào những sân bay, những con đường, những chiếc cầu, những tòa nhà cao tầng được xây dựng ở khắp nới, sao không nhìn vào xuất khẩu tôm cá, lúa gạo, hoa quả, dầu thô, quần áo, giày dép, sao không nhìn vào vị thế ngoại giao với nhiều nước và Liên Hiệp Quốc, sao không biết sự tăng trưởng GDP mỗi năm đều trên 6%, sao không so sánh đời sống của dân chúng bây giờ với trước 1945 và thời kỳ 1980 v.v… Xin thưa, có nhìn thấy chứ. Nếu không có những thứ đó thì Đảng tiêu vong rồi, dân tộc lụn bại lâu rồi chứ đâu còn như bây giờ để thảo luận. Có so sánh chứ. So sánh theo phương dọc, nghĩa là so sánh ta với ta qua thời gian, và so sánh theo phương ngang, là so sánh ta với người khác trong cùng thời gian và hoàn cảnh. Khi so sánh theo phương ngang mới thấy chúng ta thua kém người ta quá chừng.
Có lý thuyết cho rằng kinh tế của xã hội phát triển hơn kém nhau ở năng suất lao động, và năng suất đó của Việt Nam đứng vào hạng thấp của khu vực và thế giới. Người ta kêu gọi tăng năng suất nhưng không biết tăng bằng cách nào. Tuy vậy năng suất lao động cũng chỉ là một chỉ tiêu của kinh tế. Quan trọng hơn là chỉ tiêu hiệu quả . Có thể hiểu sơ lược: Hiệu quả P =[(T – C) / C] 100%. Trong đó T là phần thu được, C là phần chi phí bỏ ra. Trong phần lớn báo cáo của mọi cấp mọi ngành người ta chủ yếu nêu ra T mà ít quan tâm đến C và P. Nếu tính được P cho nền kinh tế Việt Nam trong mấy chục năm qua thì thấy đó là một số âm có trị tuyệt đối khá lớn. Hiệu quả âm có nghĩa là kết quả càng lớn, làm càng nhiều thì thua lỗ càng nặng.Thể hiện rõ nhất của việc này là vay nợ nước ngoài càng ngày càng tăng và trước mắt chưa có cách gì trả được. Hàng năm phải vay thêm chỉ để trả phần tiền lãi.
Kinh doanh, khởi nghiệp, các dự án phần lớn không lành mạnh. Đa số doanh nhân làm giàu không phải bằng trí tuệ, sáng tạo mà bằng quan hệ đen tối, bất chính với thế lực có quyền (chia chác, hối lộ). Những doanh nghiệp làm ăn chân chính, không chịu chấp nhận liên minh ma quỷ với thế lực có quyền thường bị đe dọa, bị phá phách, bị triệt hạ. Vụ bà Ba Sương với Nông trường Sông Hậu, vụ kiện ra Tòa án quốc tế của ông Trịnh Vĩnh Bình, quốc tịch Hà Lan, đòi Chính phủ Việt Nam bồi thường 1 tỷ USD là các dẫn chứng sinh động. Làm kinh tế như vậy chủ yếu là trò trộm cướp, lừa đảo chứ không phải phát triển đúng hướng.
Mà phát triển xã hội đâu phải chỉ có kinh tế. Còn có thứ cần hơn là văn hóa, là đạo đức. Phát triển kinh tế với hiệu quả âm, lại phá nát tài nguyên và môi trường, hủy hoại văn hóa và đạo đức thì cái giá của nó là quá đắt. Trước năm 1986, vì phạm quá nhiều sai lầm nghiêm trọng trong chính sách kinh tế theo định hướng XHCN mà đất nước lâm vào cảnh đói kém, kiệt quệ. Tình trạng đó làm rối trí và mờ mắt nhiều người nên từ năm 1986, để sửa sai người ta lại đổ xô vào phát triển kinh tế bất chấp mọi tai họa về môi trường và đạo đức mà nó mang lại.
Để phát triển xã hội, ngoài kinh tế, văn hóa, đạo đức, còn cần đến tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, một cuộc sống yên bình, một xã hội tin yêu, thân thiện, chứ đâu có phải chỉ kinh tế. Mà về kinh tế, con số tăng trưởng GDP hàng năm cũng rất đáng ngờ. Tăng như thế mà sao năm nào ngân sách cũng thâm hụt, mà nợ nần vẫn chồng chất, hay là phần lớn ngân sách tăng được lọt vào túi cá nhân.
Khi nhìn xã hội hiện tại nhiều người thấy rõ (vì không giấu đi đâu được) những tội ác như hủy hoại môi trường, nạn bạo hành, dân oan, hàng giả, hàng lậu, thực phẩm bẩn v.v.., những quốc nạn như tham nhũng, lãng phí, mua quan bán tước, giáo dục xuống cấp v.v…Đó chỉ là những thể hiện bề ngoài. Tôi cho rằng tội ác lớn nhất nằm ở bên trong, phần nào bị che giấu, mang sắc thái vô hình. Đó là sự phá nát truyền thống đạo lý và văn hóa của dân tộc, là để cho việc gian dối trở thành phương châm xử thế từ quan đến dân, là sự hủy hoại thành phần tinh hoa của dân tộc để phải chấp nhận những kẻ vừa thiếu trí tuệ vừa kém đạo đức giữ những cương vị lãnh đạo và quản lý đất nước. Công nhận rằng sự phá nát, sự hủy hoại này không phải là ý đồ tự giác của CS, họ không cố tình làm những việc đó, nhưng nó là kết quả tất yếu của dấu tranh giai cấp, của vô sản chuyên chính, của công hữu hóa tư liệu sản xuất, của nền độc tài đảng trị. Những kết quả tất yếu này ban đầu những người CS chưa nhận thấy, đến khi nó bộc lộ rõ ràng thì cố tình che giấu hoặc ngụy biện để bao che.
Trong lúc nội chính còn bị rối như tơ vò thì thảm họa từ Trung cộng lại chụp xuống. Sự bành trướng với ý đồ “Bình thiên hạ” của Đại Hán đã hủy diệt dần dần các dân tộc Mãn, Mông, Hồi, Tạng. Các dân tộc này đã có thời kỳ huy hoàng trong lịch sử, nhưng rồi vì chung ý thức hệ CS mà bị người Hán nô dịch . Đại Hán không ngừng âm mưu thôn tính và hủy diệt dân tộc Việt. Theo dự đoán của cố Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch thì sau Hội nghị Thành Đô Việt Nam có thể mắc vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 2. Thế mà lãnh đạo Đảng và Nhà nước cam tâm thần phục Đại Hán. Đó cũng là một trong những đại bi kịch.
Vạch ra như thế để rồi tìm con đường khắc phục. Việc đó như thế nào đã có nhiều người bàn tới. Riêng với tôi, trước đây cũng đã có vài lần bàn đến. Lần này bài viết đã khá dài, xin hẹn vào dịp khác.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN.
CHẾ ĐỘ VÔ TRÁCH NHIỆM SẼ ĐẺ RA NHỮNG CON NGƯỜI VÔ TRÁCH NHIỆM
GNsP/ BVB 24-10-2016
clip_image002
Cha Giuse Phan Đình Trung, chánh xứ Thịnh Lạc (bên trái) tại ngôi thánh của ngài vừa được dọn vệ sinh xong sau cơn lũ. Pv. GNsP
Cha Giuse là người sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh và nay đang là linh mục Chánh xứ Thịnh Lạc, Huyện Hương Khê nơi rốn lũ, đã nhận định về cơn lũ tuần qua như trên.
Cha tiếp tục nhấn mạnh: “Họ đã xả lũ đập thủy điện Hố Hô nhưng đã không thông báo trước vài ngày. Chiều hôm đó (13/10), trong cơn mưa lớn, lúc 5g họ mới thông báo xả lũ thì không cách chi bà con kịp trở tay để di chuyển đồ và súc vật. Người di chuyển được bò bê thì bị mất lúa gạo. Người di chuyển được lúa gạo thì bị trôi thứ khác…”
Cha cho biết thêm: “Vùng này nếu có mưa lớn đến hai ngày cũng không thể ngập lụt được, chỉ ngập khi có đợt xả lũ bất thường từ những người bất thường mà thôi!”
Phải chăng đây là một việc làm vô trách nhiệm và có thâm ý bên trong vì cùng dịp này tại Giáo xứ Phú Yên, nơi cha Antôn Đặng Hữu Nam đang tái khởi kiện Formosa, nhà cầm quyền muốn lái dư luận sang một hướng khác?
Nói về hậu quả của việc vô trách nhiệm cha Giuse Trung cực lực lên án: “Chế độ vô trách nhiệm đã đẻ ra những con người vô trách nhiệm!”
Đúng là một chế độ vô trách nhiệm khi đồng bào mình đang trong cơn lũ thì những người đứng đầu đất nước đang “thao thức” một kế hoạch khác cho riêng mình. Ví như, Trung ương 4 khóa 12 đang họp một cách bình thường về sự tồn vong của Đảng, ông Tổng bí thư Trọng vẫn ung dung ra chỉ đạo chỉnh đốn Đảng và sau đó những người đứng đầu như Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội vẫn điềm nhiên đi làm những công việc riêng của họ, như bà Ngân vui vẻ diện áo dài tham dự lễ hội áo dài Hà Nội 2016 v.v… Những hình ảnh như thế không thể biện minh cho việc giới lãnh đạo đã vô trách nhiệm hoặc thờ ơ trước hiện tình khốn khổ của đồng bào mình.
Cha Giuse Trung cũng nói rằng, từ trước đến nay nhà nước chưa hề có một hành động nào thiết thực để giúp bà con giải quyết hậu quả sau cơn lũ như dọn dẹp vệ sinh, giúp bà con ổn định lại cuộc sống.
Cha nói rằng khi nước lũ rút đã phải huy động bà con tín hữu từ Giáo xứ Làng Truông lân cận, nơi không bị ngập đến, để dọn dẹp và vệ sinh ngôi thánh đường của mình bị ngập hơn 1 mét.
Cha Giuse Phan Đình Trung nói: “hầu như năm nào ở đây cũng bị lũ! Đó là điều bình thường nhưng lũ đợt này là bất thường. Trời mưa thì bình thường nhưng con người lãnh đạo thì bất thường.”
Một bạn trẻ trong Giáo xứ cho biết: “chỉ có những người dân mới lo cho nhau và giúp nhau vệ sinh môi trường thôi chứ chưa thấy một tổ chức nào của nhà nước đến để giúp cho dân cả”. Cha cho biết: “gia đình nào cũng bị ngập và họ phải lo dọn dẹp và vệ sinh cho ngôi nhà của họ nên không còn người để làm việc chung cho nhà Chúa”. 
Vệ sinh môi trường sau hậu quả của cơn lũ đều do người dân huy động nhau cùng thực hiện. 
Trở lại với việc xả lũ thủy điện Hố Hô, ông Tổng cục phó năng lượng Đỗ Đức Quân nói: “Việc nhà máy thủy điện Hố Hô mở hoàn toàn cửa van xả lũ trong tình huống trận mưa vừa qua là chấp nhận được. Bởi nếu không làm vậy, sẽ gây nguy hiểm, mất an toàn hồ đập”

clip_image004
Bà con tự huy động nhau để giải quyết hậu quả của lũ, chưa thấy một hội đoàn nhà nước nào đến trợ giúp.Pv. GNsP
Hơn nữa ông này còn phán một câu hết sức “bất bình thường”: “việc mở cửa van là tuân thủ quy trình. Việc nhà máy thủy điện Hố Hô mở hoàn toàn cửa van xả lũ trong chỉ đạo xử lý tình huống công trường tại trận mưa vừa qua là chấp nhận được”. (trích từ bài: Tổng cục phó Năng lượng: Thủy điện Hố Hô xả lũ ‘chấp nhận được’ của vnexpress đăng ngày 18/10) Vậy thử hỏi ông tổng cục phó năng lượng rằng, việc lo cho cái hồ an toàn hay tính mạng của người dân cũng như tài sản của họ được an toàn thì điều nào quan trọng hơn?
Vậy thử hỏi, khi xây dựng đập thủy điện này, công trình đã không tính đến kế hoạch điều tiết nước trong trường hợp mực nước hồ dâng cao hay sao? Hay nếu xả thì lũ thì phải trong “quy trình an toàn” cho tính mạng người dân sao?


clip_image006
Vệ sinh môi trường là điều cấp bách để trách dịch bệnh sau cơn lũ, nhưng điều này là do bà con tự bỏ công ra mà làm. Pv. GNsP
  
(GNsP)
SAU VỤ HỐ HÔ, NGHĨ VỀ CÁC PHÉP NGỤY BIỆN
LS  NGÔ NGỌC TRAI/ BBC/ BVB 25-10-2016
h1
Người dân chèo thuyền trong nước lụt. Ảnh: VNA/ AFP

SAU KHI THỦY ĐIỆN HỐ HÔ XẢ LŨ LÀM 35 NGƯỜI CHẾT, 4 NGƯỜI BỊ MẤT TÍCH VÀ NHẤN CHÌM NHÀ CỬA, BỘ CÔNG THƯƠNG ĐÃ CÓ BÁO CÁO GỬI QUỐC HỘI VỀ KẾT QUẢ KIỂM TRA, RÀ SOÁT, VỀ QUY HOẠCH, XÂY DỰNG, VẬN HÀNH CÁC CÔNG TRÌNH THỦY ĐIỆN TÍNH ĐẾN HẾT THÁNG 9/2016.* LUẬT SƯ NGÔ NGỌC TRAI
BẢN BÁO CÁO ĐƯỢC BÁO CHÍ ĐĂNG TẢI PHẦN NÀO ĐÁP ỨNG ĐƯỢC NHU CẦU THÔNG TIN CỦA NGƯỜI DÂN VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐẬP THỦY ĐIỆN.
THEO BÀI ‘BỘ CÔNG THƯƠNG: DI DÂN THỦY ĐIỆN GIÚP THU NHẬP CAO HƠN’ TRÊN BÁO ĐIỆN TỬ VIETNAMNET, BÁO CÁO CHO BIẾT HIỆN TRÊN CẢ NƯỚC CÓ 306 CÔNG TRÌNH THỦY ĐIỆN ĐANG VẬN HÀNH PHÁT ĐIỆN, 193 DỰ ÁN ĐANG THI CÔNG XÂY DỰNG, 245 DỰ ÁN ĐANG NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ, CÒN LẠI 59 DỰ ÁN CÓ QUY MÔ NHỎ, ĐANG ĐƯỢC TIẾP TỤC RÀ SOÁT VỀ HIỆU QUẢ KINH TẾ VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN KHÁC CÓ LIÊN QUAN. TRONG 3 NĂM QUA, ĐÃ CÓ 1118 CÔNG TRÌNH THUỶ ĐIỆN LỚN NHỎ BỊ LOẠI BỎ KHỎI QUY HOẠCH VÌ NHỮNG TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC VỀ MÔI TRƯỜNG, XÃ HỘI.
BÊN CẠNH NHỮNG THÔNG TIN HỮU ÍCH ĐÁP ỨNG NHU CẦU HIỂU BIẾT CỦA NGƯỜI DÂN, BẢN BÁO CÁO CÒN CHỨA ĐỰNG MỘT SỐ NỘI DUNG CÓ HÀM Ý BÀO CHỮA CHO CƠ QUAN QUẢN LÝ NGÀNH LÀ BỘ CÔNG THƯƠNG TRƯỚC CÁC TÁC HẠI CỦA ĐẬP THỦY ĐIỆN.
MỘT SỐ NỘI DUNG CÓ TÍNH CHẤT NGỤY BIỆN TINH VI, MÀ NẾU KHÔNG ĐƯỢC CHỈ RA THÌ NGAY CẢ CÁN BỘ CÁC BAN NGÀNH CŨNG BỊ LÀM CHO SAI LỆCH VỀ NHẬN THỨC.

NHỮNG NGỤY BIỆN

Báo cáo có đoạn ‘Xác định công tác an toàn đập, hồ chứa và vận hành quản lý an toàn đập là nhiệm vụ then chốt, Bộ Công thương cho biết, hiện các đập thuỷ điện đều đang vận hành an toàn, ổn định’.
Nội dung này cung cấp thông tin sai. Vì đập thủy điện xả nước góp phần gây lũ lớn làm chết người và nhấn chìm tài sản thì không thể nói các đập thủy điện vận hành an toàn ổn định, mà ngược lại đó là hoạt động đang rất có vấn đề.
Người báo cáo có lẽ muốn nói sự ổn định an toàn theo nghĩa rằng các đập thủy điện chưa cái nào bị bục vỡ, nhưng thay vì nói rõ ràng thì lại ‘lập lờ đánh lận con đen’ làm đẹp cho bức tranh ổn định an toàn cho các đập thủy điện.
Trên thực tế không chỉ vụ thủy điện Hố Hô vừa rồi mà năm 2009 thủy điện trên sông Ba Hạ của tỉnh Phú Yên cũng xả lũ góp phần nhấn chìm nhà dân, khiến 98 người chết, 20 người mất tích. Năm 2014 các đập thủy điện miền Trung cũng xả lũ làm tăng hậu quả thiên tai làm chết 41 người, 5 người mất tích và 74 người bị thương.
Nhiều vụ khác xảy ra rải rác trên phạm vi cả nước mỗi năm, như thế các đập thủy điện đang hoạt động rất có vấn đề chứ không phải an toàn ổn định.
Trong một đoạn khác báo cáo viết: ‘Bộ Công thương đã phê duyệt 154 quy trình vận hành hồ chứa và hiện nay một số quy định về quản lý an toàn đập đã không còn phù hợp, chưa được sửa đổi’.
Bản báo cáo không nêu rõ đập thủy điện Hố Hô có được Bộ công thương phê duyệt quy trình vận hành không. Và tại sao lại nói ‘hiện nay một số quy định về quản lý an toàn đập đã không còn phù hợp, chưa được sửa đổi’?
Quy trình vận hành đập thủy điện là cái có nguy cơ gây hại đến tính mạng tài sản của hàng vạn người nên đòi hỏi phải tính toán khoa học để đảm bảo an toàn lâu dài. Tại sao mới có vài năm hoặc được chục năm đã thấy không còn phù hợp? Hoạt động của đập thủy điện thì có yếu tố gì phụ thuộc vào sự thay đổi theo thời gian?
Hiện nay hay một chục năm trước thì mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân vẫn quan trọng không thay đổi. Hiện nay hay chục năm trước các thông số kỹ thuật trong xây dựng quy trình vận hành như độ cao, chiều sâu, khối lượng, khoảng cách thì có gì khác nhau?
Vậy thì phải nói quy trình vận hành hồ chứa đã tính toán sai do dốt nát, hoặc vì lòng tham hay đút lót nên đã dễ dãi lỏng lẻo không đặt ra những phép tính chính xác nhằm đảm bảo an toàn. Cho nên bây giờ từ cái thực tế gây họa mới đặt ra phải làm lại cho nghiêm túc.
Chứ còn nếu tính toán đúng đắn khoa học thì cái kết quả có thể sử dụng được 50 năm, 100 năm chứ không chỉ vài năm đã thấy không còn phù hợp. Vì cái quy trình vận hành thủy điện có các yếu tố thuộc về khoa học tự nhiên, nó không thay đổi như các quy định pháp luật thuộc về khoa học xã hội.
Việc lồng vào nội dung ‘đến nay không còn phù hợp, chưa được sửa đổi’ trong bản báo cáo gửi Quốc hội là để lợi dụng cái nhận thức theo thói quen của các nhà làm luật, những người thường chấp nhận sửa đổi các quy định pháp luật sau một thời gian nếu thấy không còn phù hợp.
Sự ngụy biện đánh tráo khái niệm tinh vi khiến cho ngay các Đại biểu Quốc hội cũng có thể bị nhầm lẫn, giúp giảm tránh trách nhiệm cho cơ quan quản lý ngành trong việc đánh giá phê duyệt các quy trình vận hành đập thủy điện.
Một đoạn khác khi nói về những tồn tại thực tế, bản Báo cáo cho rằng: ‘Đa số cán bộ làm công tác quản lý an toàn đập tại các địa phương không có chuyên môn về xây dựng, thủy lợi…’
Đây là lỗi thuộc về cơ quan quản lý ngành là Bộ công thương chứ không chỉ là lỗi yếu kém chuyên môn của cấp dưới. Vì vấn đề năng lực chuyên môn của các địa phương đúng ra phải được thấy ngay từ đầu, từ khi trước khi cho làm thủy điện, chứ không phải bây giờ mới nhận ra.
Nhà quản lý phải dự liệu được thực tế và lường tính được tương lai, khi đã thấy năng lực quản lý còn yếu kém thì không thể dễ dãi cho xây dựng mấy trăm đập thủy điện, để bây giờ gây tác hại.

BẠO HÀNH NHẬN THỨC

Điểm qua một vài nội dung trong một văn bản Báo cáo đã cho thấy những phép ngụy biện tinh vi gây hại cho nhận thức của người dân.
Trong thực tế còn nhiều ví dụ cho thấy tình trạng ngụy biện, ví như vụ một phóng viên bị đánh khi tác nghiệp, rõ ràng là một cú đấm thì người ta lại nói là gạt tay vào má, một cú đá thì lại nói là giơ chân hơi cao. Đó là những ngôn từ bóp méo sự thật làm sai lệch vấn đề một cách thô bạo.
Hay những câu nói có tính ngụy biện thỉnh thoảng xuất hiện như ‘không nên’, ‘phản cảm’, ‘đúng quy trình’ và ‘lỗi tại người đánh máy’ tất cả đều bóp méo bản chất, làm thay đổi tính chất nghiêm trọng của sự việc.
Trong vụ thủy điện Hố Hô, sau khi những hình ảnh ngũ ngập lụt đến với đông đảo cộng đồng, thì một số cán bộ nhà máy lại phán ngôn là đập xả lũ ‘đúng quy trình’, hay một vị thuộc Tổng cục năng lượng lại cho rằng việc xả lũ là ‘chấp nhận được’.
Những phát ngôn kiểu đó khiến người dân không khỏi bất bình, nó như một kiểu bức hại về nhận thức và cảm xúc.
Tình trạng này cho thấy một số tầng lớp cán bộ hiện nay đạo đức công vụ yếu kém, luôn dùng luận điệu ngụy biện chối bỏ trách nhiệm. Tính mạng và tài sản của người dân không thể đặt vào tay những cán bộ quản lý như vậy.
Người dân thường không nhận ra những phép ngụy biện đánh tráo khái niệm khiến họ hiểu sai bản chất sự việc, và ngay cả khi mơ hồ nhận ra có điều gì không đúng thì họ lâm vào trạng thái ức chế bực bội vì không thể hiểu biết rõ ràng và không thể đáp trả lại cái thông tin đã đến với họ.
Hệ quả là người dân bị bạo hành về mặt nhận thức, họ biết có điều gì sai nhưng không hiểu rõ được vấn đề vì sự tinh vi trong những lời ngụy biện. Người dân lâm vào tình trạng mơ hồ về bản chất sự việc, mơ hồ về chân lý đúng sai và cảm thấy khó khăn trong tư duy hay bị bạo hành về nhận thức.
BBC/BS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét