Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

20151106. KINH NGHIỆM HỌC TIẾNG ANH

ĐIỂM BÁO MẠNG
KINH NGHIỆM HỌC TIẾNG ANH CỦA TÔI(CẬP NHẬT)
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ BT26/10/2015
Nhân dịp bàn chuyện tiếng Anh, tôi muốn chia sẻ cùng các bạn một vài kinh nghiệm học tiếng Anh của tôi. Câu chuyện của tôi có lẽ khác với nhiều bạn hiện nay (vì tôi tự học tiếng Anh là chính, do thời trung học tôi học tiếng Pháp). Tuy tiếng Anh của tôi vẫn chưa tốt mấy, nhưng đủ để nói chuyện và viết lách cho thiên hạ hiểu. Cũng có khi đủ để chỉ lại các bạn chưa thông thạo cái ngôn ngữ rất quan trọng này.
Thật ra, từ ngày qua Úc đến nay, tôi chẳng bao giờ có dịp học tiếng Anh một cách bài bản trong trường lớp. Những ngày đầu mới đến hostel dành cho người tị nạn, tôi cũng được cho đi học một lớp tiếng Anh, nhưng là loại dành cho người đi xin việc. Lúc nào cũng “How are you today”, “I am fine, thank you”, “Where were you from?”, “How long have you been here?”, v.v. Chỉ đâu một tuần là tôi bỏ học, chịu không nổi với cách dạy như thế.

Tôi bắt đầu tự học. Nói đúng ra, tôi bắt đầu tự học từ lúc còn trong trại tị nạn bên Thái Lan. Lúc đó, tôi làm thiện nguyện trong một thư viện trong trại tị nạn do một dòng tu người Mĩ điều hành, suốt ngày chỉ lo sắp xếp sách vở cho thứ tự, và sếp tôi là một người Khmer. Anh chàng Khmer này rất giỏi tiếng Anh và tiếng Pháp, còn tôi thì dốt tiếng Anh, nên bị anh ấy xem thường là dễ hiểu.

Nhưng chính thái độ xem thường của anh sếp đó là động cơ cho tôi phải học tiếng Anh. Tôi thề với lòng là một ngày nào đó "Mày sẽ biết ai là ai", và thế là tôi lao vào học sau những giờ bận rộn với công việc. May mắn cho tôi là có một "đồng môn" người Huế cũng học tiếng Anh như tôi, và anh ấy tên là Ẩn (sau này cũng định cư ở Úc, Melbourne, mà hơn 30 năm qua tôi chưa liên lạc được). Anh Ẩn là người Việt Nam tiêu biểu: ham học và chịu khó học. Anh ấy nói với tôi là học tiếng Anh thì phải HỌC TỪNG CHỮ, và phải học từ cái gốc, chứ học kiểu của tôi (quan tâm đến văn phạm) là không ổn. Mỗi ngày, chúng tôi đố nhau chữ này có nghĩa là gì, xuất phát từ đâu, dùng ra sao, v.v. Thời còn trẻ hay đố nhau theo kiểu VN, và đó cũng là động lực để biết thêm. Học mà có bạn thì phải nói là rất lợi hại.
Không đầy 6 tháng là tôi đã tự thấy mình rất khá và có khả năng "đương đầu" với anh sếp Khmer. Chúng tôi lúc đó thỉnh thoảng đố anh ta vài chữ, và anh ta bí, thế là chúng tôi khoái chí cho rằng mình hơn người! Bây giờ ngồi nghĩ lại thì cái trò đố của anh em tôi với anh sếp Khmer thật là ấu trĩ, con nít, và bậy bạ hết sức. Kiểu Trạng Quỳnh, chỉ học được vài cái mẹo vặt mà đã tự hào ta đây "ngon lành", thì đúng suy nghĩ tầm con nít. Nhưng như tôi nói, thời trẻ thì ai cũng có lần dại khờ, và tôi cũng không phải là ngoại lệ. (Đó cũng chính là lí do tôi viết bài về "học nói, học viết").
Kinh nghiệm của tôi gói gọn trong những điểm chính: từ điển & trầm mình trong tiếng Anh, học từng chữ một, mạnh dạn nói, và học từ báo chí & truyền thông.
1. Có một cuốn từ điển Anh – Anh, và một cuốn sách hướng dẫn sử dụng tiếng Anh.
Kinh nghiệm học tiếng Anh của tôi là phải trầm mình trong thế giới tiếng Anh. Trong một thời gian dài, tôi không hề tiếp xúc với tiếng Việt, không đọc báo tiếng Việt, không đọc sách tiếng Việt (thời đó cũng chẳng có mà đọc!), không nghe đài tiếng Việt (cho đến bây giờ tôi vẫn không nghe đài phát thanh tiếng Việt ở đây). Thay vào đó, thả mình trong thế giới tiếng Anh, với sách báo, radio, và tivi. Cần mở ngoặc thêm để nói là thời đó thì dễ, còn bây giờ thì chắc khó, do có internet làm sao lãng việc học.
Phải có một cuốn từ điển tốt để học tiếng Anh. Quên đi những từ điển Anh – Việt, hay tệ hơn nữa là Việt – Anh! Tìm một cuốn từ điển Anh – Anh. Một từ điển tốt có thể ví như kinh thánh! Thời còn ở trại tị nạn, tôi may mắn tiếp xúc cuốn từ điển LONGMAN, và tôi thích cuốn này ngay từ ngày đầu. Hình như cuốn này được soạn cho người nước ngoài (tức không dùng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ). Từ điển giải thích thật rõ ràng về ý nghĩa của chữ, cách dùng như thế nào, và cách phát âm. Thời đó, rất hiếm có một cuốn từ điển nào đầy đủ và thực tế như Longman. Sau này khi sang Úc và cho đến nay tôi vẫn dùng Longman làm từ điển.
2. Học từng chữ và học từ gốc
Mỗi ngày, cố gắng học một chữ tiếng Anh. Nhưng phải học cẩn thận và học cho hết chữ đó. Tôi muốn nói đến ngoài việc học để biết nghĩa của chữ đó, còn phải học (a) nguồn gốc của chữ này đến từ đâu; (b) những biến thể tính từ, động từ, danh từ của chữ; và (c) cách sử dụng như thế nào. Chẳng hạn như học chữproduce (động từ và danh từ), cần phải học thêm những biến thể như production, product, productive, v.v. phải học cho thật kĩ và biết tận ngọn ngành của chữ. Từ điển Longman rất có ích cho việc học này. Do đó, nói là học một chữ một ngày, nhưng thật ra là có khi học được 10 chữ. Cách học này rất tốt, vì nó giúp cho chúng ta có căn bản tốt và biết chữ từ gốc chứ không phải từ ngọn. Biết cái gì từ gốc vẫn hay hơn biết từ ngọn.

Ngữ vựng cực kì quan trọng. Theo tôi, có một kho tàng ngữ vựng tốt còn có giá trị hơn là am hiểu cú pháp và văn phạm. Thời gian chúng ta có thể tiếp thu ngữ vựng có hạn, còn thời gian chúng ta học văn phạm thì không giới hạn. Do đó, tranh thủ mọi cơ hội để học ngữ vựng.
3. Mạnh dạn nói
Học tiếng Anh là phải học nói. Nhưng một trong những điểm yếu của người Việt là chúng ta phát âm không tốt, từ đó dẫn đến ngại nói chuyện, vì sợ người đối diện không hiểu. Cá nhân tôi cũng trải qua kinh nghiệm này khi còn làm trong nhà bếp. Những ngày đó, tôi rất yếu về tiếng Anh và nói nhiều khi chẳng ai hiểu, nên cứ mỗi lần có điện thoại reo là tôi rất … sợ. Sợ trả lời vì mình nói mà bên kia không hiểu thì rất phiền phức cho công việc. Nhưng anh bạn làm chung biết điểm yếu đó và muốn giúp tôi, nên cứ mỗi lần điện thoại reo, anh ta chỉ tôi phải nghe và trả lời điện thoại. Ấy thế mà vài lần tôi quen, quen với những câu chữ mình phải/nên nói khi bắt điện thoại, quen với phát âm, quen với chữ trong nghề (lúc nào cũng học ngữ vựng), và quen với cách nhấn giọng, v.v. Từ quen tôi trở thành tự tin hồi nào không hay. Do đó, bài học tiếng Anh có hiệu quả là phải mạnh dạn nói. Nói sai thì sửa. Nói người ta không hiểu thì nói lại. Nói chữ nào người ta không rõ thì mình đánh vần cho họ hiểu.
Tôi cũng phải mở ngoặc để chia sẻ một kinh nghiệm lí thú ở đây về chuyện phát âm. Có một số người ngoại quốc, vì lí do nào đó (có thể muốn trêu chọc hoặc muốn làm nhục) nên giả bộ họ không hiểu mình nói. Cách họ làm thường là “I beg your pardon” 2,3 lần, hoặc nghễnh tai làm như họ không nghe hay nghe mà không hiểu. Tôi có quá nhiều kinh nghiệm, nên chỉ cần nhìn qua là biết người không hiểu thật, hay là người muốn làm nhục mình. Họ đặc biệt thích làm điều đó (hạ nhục / trêu chọc) với các nạn nhân người Á châu. Nếu chúng ta tự tin rằng chúng ta nói rõ mà họ làm điều đó, thì chúng ta có thể nói thẳng cho họ biết “đừng chơi trò với tao”.
Tôi đã làm vài lần với vài người. Có một lần một tay người Úc, hắn cứ đưa cái tai gần tôi làm như hắn không hiểu tôi nói gì; cách tôi phản ứng là tôi thản nhiên ghé vào tai hắn và nói thật lớn để mọi người chung quanh nghe: “Tao nói cho hàng trăm, hàng ngàn người, và họ hiểu & ghi chép những gì tao nói. Vậy thì mày đừng có giả bộ không hiểu nhé. Cái trò này xưa lắm con ạ.” Một lần khác trong hội nghị, tôi cũng bị một người giả bộ “I beg your pardon” 2 lần dù tôi đã giải thích khá rõ và ban chủ toạ cũng đồng ý, nhưng đến lần thứ hai thì tôi mất kiên nhẫn và có phản ứng, tôi nói lớn: "Cả hội trường này gần 1000 người, ai cũng hiểu tao nói, những thuật ngữ tao dùng dân trong nghề đều biết, vậy mà mày không hiểu và không biết, tao nghĩ đó là vấn đề của mày chứ không phải vấn đề của tao, tao không có nhu cầu nói lại, ok." Đừng bao giờ tỏ ra thấp khi đối đầu với những kẻ muốn gây chuyện.
4. Học từ báo chí và truyền thông
Báo chí và truyền thông là phương tiện rất có ích để học phát âm. Thời 1980s, dĩ nhiên là chưa có internet, nên mỗi ngày tôi phải mua tờ nhật báo Sydney Morning Herald về, và đọc những bản tin chính. Đó là một tờ báo cực kì nổi tiếng và hay. Chắc chắn không bằng tờ New York Times, nhưng phong phú thì chẳng kém gì Los Angeles Times. Thông thường, mỗi bản tin thời sự, họ có dùng một vài chữ “mới” (mới với tôi), hay những chữ mang tính địa phương. Dĩ nhiên, tôi chưa đủ trình độ để hiểu hết nội dung bản tin, nhưng mò mẩm bằng từ điển thì cũng nắm được những bản tin chính. Chẳng hạn như có lần báo chí nói đến thái độ của đương kim thủ tướng lúc đó (Paul Keating) là recalcitrant. Tôi chẳng hiểu chữ này có nghĩa gì đến khi truy trong từ điển Longman. Nhưng mỗi ngày “khám phá” được một chữ mới như thế làm cho mình có lí do để vui sống và học tập.
Điều quan trọng là biết phát âm những chữ mới, và tôi phải đợi đến buổi chiều, bật tivi để nghe người đọc tin, và học cách phát âm từ họ. Ở Úc (và nơi khác chắc cũng vậy), các bản tin chính in trên mặt báo thường được các đài truyền hình phát lại trong bản tin buổi tối của họ. Mặc dù họ không dùng những chữ giống như trên mặt báo (vì như thế là đạo văn) nhưng cách họ phát âm tên của nhân vật, những danh từ quan trọng trong câu chuyện, hay những chữ mà tôi rõ nghĩa nhưng không rõ cách phát âm, tôi đều học qua bản tin này. Có lần tôi không biết đọc chữ allowance ra sao, thì may quá, buổi chiều có tranh cãi về vụ này nên tôi mới biết cách phát âm. Học từ báo chí và tivi phải nói là rất có ích.
Học từ những bài/sách chính luận
Văn chính luận khác với văn tin tức. Do đó, vấn đề không chỉ là đọc tin, mà học cách viết trong các bài chính luận. Những tay bỉnh bút viết chính luận thường là bậc thầy về tiếng Anh. Họ rất giỏi về viết và từ ngữ. Không chữ nào họ dùng trong bài viết là thừa. Có những người kì cựu như Alan Ramsey thì mỗi bài viết là mỗi bài học tuyệt vời cho tôi. Tôi học cách cấu trúc câu văn, dùng chữ cho tốt, và tinh tế. Sau này, khi hướng dẫn các bạn thế hệ sau về cách viết bài báo khoa học tôi vẫn lấy ví dụ của Alan Ramsey ra làm ví dụ.
Sau này, tôi còn học thêm một người khác về kĩ năng tiếng Anh: người đó là Samuel P. Huntington. Ông là một giáo sư chính trị học nổi tiếng của Mĩ. Nhưng ngoài chuyên môn đó, ông là một người viết văn tuyệt vời. Các bạn nếu có dịp nên tìm đọc những bài luận văn của ông ấy, và sẽ thấy từ cấu trúc ý tưởng, đến triển khai bằng tiếng Anh, tất cả đều xảy ra một cách logic. Quan trọng hơn là ông dùng chữ chính xác, những câu văn trong đoạn văn ăn khớp với nhau một cách nhịp nhàng, không chê vào đâu được. Tôi thấy mỗi bài luận văn của ông là mỗi bài học mới về viết bằng tiếng Anh.
5. Tránh cách nói Việt Nam, luyện cách nói Anh
Tôi đã nói ở trên là học từ từ điển Anh - Anh, tránh Việt - Anh! Một điểm rất quan trọng mà tôi thấy từ chính tôi và các bạn mới học tiếng Anh là thói quen dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Nói cách khác, mình nghĩ bằng tiếng Việt, rồi dùng đầu chuyển sang tiếng Anh bằng nói hay viết. Rất dở. Bởi vì học như thế thì mình chỉ là người Việt nói tiếng Anh, chứ chưa hội nhập được. Cần phải học tiếng Anh như người Anh, Mĩ. Phải học cách nói và viết của người Anh. Chẳng hạn như chúng ta có thói quen diễn giải nguyên nhân rồi mới đi đến kết luận, còn người Tây họ kết luận rồi mới nói nguyên nhân. Chú ý trong thư xin việc, người Tây đi thẳng vào vấn đề là nói mục đích xin việc, rồi mới lí giải lí do (còn người mình thì làm ngược lại, phải đọc hết thư mới biết mình muốn gì!)
Tuyệt đối vứt đi những cách nói rất "XHCN". Trong tiếng Anh những chữ hay khái niệm như "phát huy", "định hướng", "phấn đấu", "nghệ sĩ nhân dân", "bà mẹ anh hùng", "anh hùng lao động", "dưới ánh sáng", "đường lối cách mạng", "tạo điều kiện", "phân công", v.v. là rất xa lạ với người Tây, không mấy ai hiểu hay muốn hiểu đâu. Nói ra mấy chữ đó chỉ tổ làm người ta cười mình.
6. Học là phải GHI CHÉP
Một thói quen đáng buồn ngày nay ở giới trẻ là họ không tập thói quen ghi chép, có lẽ vì họ chỉ đọc trên mạng hay màn hình máy tính, và nghĩ thế là đã nhập tâm. Thật là sai lầm nếu nghĩ như thế. Không thể nào nhập tâm mà không dùng đến ... tay. Khi viết xuống mình có thì giờ suy nghĩ, và biến thành câu chữ, do đó nhập tâm rất tốt. Phải có sẵn tờ giấy hay cái note để viết xuống những gì hay ho trong ngày. Tập viết cho quen, để trước hết là nhập tâm, và sau là luyện chữ viết coi cho được. Mỗi lần đọc một văn bản viết tay của các bác sĩ trẻ, tôi rất giận trong lòng, vì họ viết chữ xấu quá. Thời của tôi, viết chữ xấu là bị thầy gõ tay cảnh cáo!
Những kinh nghiệm trên, dĩ nhiên, chỉ áp dụng cho những người mới học tiếng Anh. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là học phải có cuốn sổ ghi chép. Đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ đọc và nhập tâm là đủ. Đừng bao giờ nghĩ như thế! Tôi nghiệm ra là học là phải có sờ, phải viết xuống, phải có “action” thì mới có hiệu quả. Sờ con chữ có nghĩa là lấy bút màu tô đậm những chỗ mình thích. Viết xuống để mình nhớ, để có cảm nhận trực tiếp. Nếu chỉ đọc một qui định văn phạm thì chưa đủ, mà phải viết xuống thì mới dễ nhớ. Viết có hiệu quả rất tuyệt vời trong cảm nhận mà có khi chúng ta không để ý.
Tôi nghiệm ra một điều là cách sử dụng tiếng Anh cho đúng còn quan trọng hơn cả văn phạm tiếng Anh. Cũng trong thời còn ở trong trại tị nạn Thái Lan tôi may mắn tiếp xúc với cuốn Practical English Usage của Michael Swan, đúng là cuốn sách gối đầu giường của tôi. Thoạt đầu tôi chỉ đọc để nhập tâm, nhưng sau này tôi thấy như vậy chưa khá, phải viết xuống. Viết xuống bằng tiếng Việt. Sau vài tháng tôi phát hiện quyển vở của mình đã trở thành một bản dịch của cuốn sách mình học! Bài học ở đây là cách học hay nhất là mình phải viết xuống những gì mình học (chứ đọc hay nhập tâm vẫn chưa đủ), và nếu cần dịch sang tiếng Việt.
7. Đặt mục tiêu học mỗi ngày
Nguyên tắc học hành là phải có outcome – thành quả. Mỗi ngày phải học được một cái gì mới, hoặc là một chữ mới, hoặc là một câu văn hay, hoặc là một luật văn phạm, v.v. nhưng phải có một cái mới. Học mà không có cái mới thì rất dễ chán. Do đó, phải tự đặt mục tiêu outcome mỗi ngày như tôi vừa nói.
***
Tiếng Anh là một chìa khoá rất quan trọng trong khoa học. Thật ra, có thể nói không ngoa rằng tiếng Anh ngày nay đã trở thành một ngôn ngữ khoa học. Hầu hết các hội nghị khoa học quốc tế, kể cả y khoa, đều dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức. Một thống kê mới công bố năm ngoái cho biết hơn 95% tập san khoa học quốc tế dùng tiếng Anh. Ngay cả ở những nước tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ vẫn dùng tiếng Anh như là một ngôn ngữ khoa học. Do đó, am hiểu tiếng Anh là một lợi thế rất đáng kể trong hoạt động khoa học.
Trên đây là vài kinh nghiệm cá nhân về tự học tiếng Anh của tôi. Mỗi người có vài kinh nghiệm, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cá nhân. Nếu tập hợp nhiều kinh nghiệm và phân loại tôi nghĩ sẽ giúp ích rất nhiều người. Nói ví von một chút, tiếng Anh là một chìa khoá quan trọng để mở cánh cửa tri thức. Do đó, trang bị cho mình một số kĩ năng quan trọng về tiếng Anh là một lợi thế vô cùng quan trọng khi tiếp xúc với người nước ngoài. Hi vọng những kinh nghiệm này có thể giúp ích các bạn đôi ba điều trong việc tự học tiếng Anh.
KỂ CHUYỆN HỌC TIẾNG ANH(PHÁT ÂM)
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/BT 26/10/2015
Phát âm đối với những người mới học tiếng Anh là một ... ác mộng. Tôi cũng vậy. Tôi có một kinh nghiệm làm tôi nhớ suốt đời về phát âm và dạy tôi không được chủ quan và khinh suất.
Lúc đó là năm 1982, tôi mới sang Úc được 1 tuần. Như những người tị nạn khác, tôi đến xứ này hoàn toàn trắng tay, không có một đồng xu dính túi, trên người chỉ một cái quần tây, cái áo chemise, và cái áo lạnh do một người Thái tặng cho, nhưng không có giày. Khi đến Úc, tôi được phát cho một cái thẻ để đến Hội từ thiện St Vincent de Paul nhận thêm quần áo và giày dép (dĩ nhiên là đồ đã qua dùng, nhưng với tôi thì còn tốt lắm), và 30 đôla Úc (AUD). Thời đó, 30 AUD là ok lắm (vì xăng chỉ có 20 cent một lít thôi), nên tôi không biết làm gì với số tiền này. Tôi chợt nghĩ là mình cần có một cuốn từ điển tiếng Anh, mà ở đây Oxford là từ điển số 1.
Thế là tôi đáp xe điện đi thành phố Sydney. Ui chao, lần đầu tiên từ Cabramatta ra đến trung tâm thành phố, các toà nhà cao trọc trời, đường xá thẳng tấp đâu ra đó, người người ai cũng có vẻ văn minh và có học thức, còn tôi thì cứ như kẻ nhà quê lên tỉnh, người ngợm đen đúa, ngơ ngác dò đường, thỉnh thoảng còn nhìn lên trời xem mấy toà nhà cao bao nhiêu tầng. Mà, đúng như thế thật. Bây giờ nếu tự nhìn lại thì chắc lúc đó tôi quê mùa lắm, nhưng tôi tự an ủi "quê mùa thì có sao?"
Tôi lần mò tìm đến tiệm sách Dymock, một tiệm sách lớn nhất của Sydney, và lần đầu tiên bị sốc vì cách phát âm. Tôi thì đinh ninh là Dymock thì đọc là "Đi Mốc" là phải rồi, còn gì nữa?! Tôi hỏi người đi đường tiệm sách "Đi-Mốc" nó nằm ở đâu, nhưng ai cũng kinh ngạc không biết tiệm sách đó là gì. Họ thật sự muốn giúp tôi, có người dừng lại hỏi, nhưng họ vẫn chào thua. Đến người thứ ba, tôi lại hỏi và người này cũng gãi đầu chịu thua, nhưng lần này thì tôi chìa ra cái tên Dymock, và thế là người này kêu lên: Oh, "Đi-Míck". Thế là anh này kéo tôi đến góc đường và chỉ cái tiệm cách đó 2 block đi bộ. Lần đầu tiên trong đời tôi mới biết phát âm tiếng Anh coi vậy mà không phải vậy: Thấy là Đi-Mốc, nhưng đọc là Đi-Mick!
Đến tiệm sách thì lại thêm một bài học nhớ đời. Tôi hỏi anh bán sách tìm mua cuốn từ điển Oxford. Tôi nghĩ như thế này: Cái xe hiệu Ford ở Việt Nam, ai cũng đọc là "Pho", vậy thì Oxford phải đọc là "Ốc-x-Pho". Nghĩ thế, tôi thản nhiên và tự tin hỏi tìm mua cuốn từ điển Ốc-x-Pho. Anh bán sách người Úc hết sức lịch sự, kêu tôi nói lại tên sách một lần nữa, và tôi tự tin lặp lại Ốc-x-Pho. Anh ta vỗ vỗ trán, và có vẻ nghĩ không ra sách này. Đến lần thứ ba, anh ta kêu tôi đánh vần xem, và sau khi tôi đánh vần xong, anh ta ôm đầu nói: Ah, Ốc-x-Phớd. Trời ơi! Tôi nghe xong mà rụng rời, và nghĩ sao kì cục vậy, tại sao từ Pho chuyển sang Phớd là thế nào. Và, tôi giận mình là sao quá tự tin để đến nông nỗi này. Nhưng anh bán sách lịch sự lắm, anh chẳng cần để ý cái dốt của tôi, rồi anh dẫn đến nơi chỉ một lô từ điển và giải thích cuốn nào thích hợp cho tôi. Cuối cùng tôi mua cả hai cuốn Oxford và Longman, với tổng số tiền 15 AUD, tức phân nửa số tiền tôi có trong túi.
Qua hai sự việc trên, tôi không bao giờ dám khinh suất trong phát âm tiếng Anh nữa. Cho đến nay, tôi đã biết nhiều chữ và cách phát âm, nhưng thỉnh thoảng gặp những cái tên và chữ lạ, tôi vẫn lúng túng như thường. Chẳng hạn như những cái họ McMahon, Murray, hay tên Sally, Chloe, v.v. nếu không tiếp xúc thường xuyên và chú ý thì dễ đọc sai. Rất nhiều người Việt đọc sai những tên này. Ngay cả hiện nay, dù tôi có thể nói tiếng Anh với vốn ngữ vựng như người bản xứ, nhưng phát âm thì không thể như người bản xứ hay như con tôi (sinh ra ở đây) được. Đó là chưa nói đến cách nhấn chữ và lên xuống giọng (rất cần thiết), người Việt mình vốn rất yếu (vì nói không thông, làm như "rặn" chữ). Người nói tự tin và sang (khác với giai cấp lao động) có thể thể hiện qua cách nói và nhấn chữ. Tôi quan sát thấy ở những người >20 tuổi, khi sang đây thì giọng nói vẫn còn rất Việt, nhưng với những em sang đây lúc còn nhỏ thì chỉ vài năm sau là phát âm như người địa phương.
Hồi xưa, tôi học tiếng Pháp rất tốt và thấy phát âm khá dễ dàng, và nghĩ tiếng Anh cũng thế. Nhưng khi va chạm thực tế thì tôi mới biết là mình quá chủ quan. Chẳng hạn như tên hãng hàng không Úc là Qantas, ai cũng nghĩ là đọc Kwan-tas, nhưng sai; phải đọc đúng là Kwan-tis! (Chữ tis phát âm nhẹ). Do đó, khi gặp một chữ mới mà mình không chắc phát âm là gì thì nên kiểm tra từ điển Longman (phần chỉ phát âm), hay nghe một đài radio / tivi để phát âm cho đúng, đừng chủ quan và khinh suất như tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét