Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

20151130. BÀN VỀ DẠY SỬ "TÍCH HỢP"

ĐIỂM BÁO MẠNG
MỘT KIỂU TẨY XÓA KÝ ỨC DÂN TỘC
Bài của NGUYỄN VĂN TUẤN/ BVB 29/11/2015
Báo chí đang rộ lên cuộc thảo luận về chuyện bỏ hay giữa môn sử. Có dự kiến “tích hợp” môn sử với các môn khác thành một môn học có tên là “Công dân với Tổ quốc” (1). Đề nghị này làm tôi nhớ đến cái khái niệm rất đặc thù ở VN sau này là “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Với kiểu tích hợp này và cái khái niệm “Tổ quốc XHCN”, tôi e rằng người ta lại dấn sâu thêm một bước trong quá trình xoá bỏ kí ức của dân tộc.
Theo dự kiến của Ban Xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông thì môn học mới này là tổng hợp 4 môn học giáo dục đạo đức – công dân, quốc phòng – an ninh, và lịch sử. Trong đó có dạy những nghĩa vụ công dân, kĩ năng sống, pháp luật, đạo đức cách mạng, v.v. Nhìn qua nội dung thì môn học mới này có vẻ rất “hầm bà lằng”. Tôi không phải là dân sử học, nhưng vẫn cảm thấy khó chấp nhận cái dự án “tích hợp” các môn học như thế này.
Trong một thời gian dài, sách sử của VN ngày nay có rất nhiều vấn đề. Vấn đề lớn nhất là sử Việt Nam đã và đang bị chính trị hoá. Vì bị chính trị hoá, nên sách sử chỉ phục vụ cho thế lực chính trị đương thời, và hệ quả là bỏ qua những sự kiện quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển đất nước. Chẳng hạn như những cuộc xâm lăng của Tàu, những trận hải chiến với Tàu cộng làm cho chúng ta mất Hoàng Sa và một phần Trường Sa không được đề cập đến trong sách giáo khoa sử. Ngược lại, có những sự kiện được đưa vào sử lại là dối trá, mà trường hợp Lê Văn Tám là một ví dụ tiêu biểu.
Vì phục vụ cho thế lực chính trị, nên sự thật lịch sử cũng bị bóp méo và xuyên tạc. Ví dụ tiêu biểu là những trang sách viết về chế độ Việt Nam Cộng Hoà, hay về triều Nguyễn hoặc là một chiều, không sòng phẳng, hoặc dối trá, hoặc xuyên tạc. Lại có tình trạng che giấu sự thật về những tội phạm của các triều đình phong kiến đối với các vương quốc nhỏ hơn như Chăm Pa. Như thế là thiếu trung thực và thiếu khách quan. Sử mà không trung thực và không khách quan thì khó có thể xem là sử được, mà là tuyên truyền.
Với một nội dung sử như thế mà “tích hợp” với các môn mang tính “phụ” như an ninh, quốc phòng để cho ra cái gọi là”Công dân với Tổ quốc”, thì chúng ta có thể đoán rằng môn học mới chẳng khá hơn. Ở VN mà giáo dục về quốc phòng và an ninh chắc chắn phải chịu sự chi phối của chính trị nặng nề. Do đó, môn học mới chỉ nâng độ tuyên truyền và chính trị hoá lên một tầm cao hơn mà thôi, chứ đâu có giải quyết rốt ráo những khiếm khuyết về nội dung như đề cập trên.
Có một khái niệm tôi rất ngán ngẩm là “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” mà chắc sẽ trở thành một “feature” của môn học mới “Công dân với Tổ quốc”. Cái khái niệm này rất quan trọng, vì nó được nhắc đến thường xuyên trong các bài diễn văn của giới lãnh đạo, trong khẩu hiệu, trong sách, trên báo chí, v.v. nói chung là khắp nơi. Những người làm tuyên truyền thậm chí còn nói thẳng rằng yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa! Tôi nghĩ cái khái niệm này chắc chỉ tồn tại ở Việt Nam, chứ ít thấy cái đuôi XHCN ở các nước khác.
Tôi tò mò tìm hiểu khái niệm “Công dân với Tổ quốc” có nghĩa gì thì thấy … rất sốc. Thật ra, nó xuất phát từ suy nghĩ của những kẻ như Lenin rằng không có tổ quốc gắn liền với đất đai của tổ tiên cha ông, mà chỉ có tổ quốc của người vô sản ở khắp nơi trên thế giới đoàn kết lại thành một khối. Trong bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập” (tập 11, trang 166), đích thân chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” như sau: “Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, nhân dân Việt Nam ta luôn hướng về Liên Xô, đất nước của Lênin vĩ đại và coi Liên Xô là Tổ quốc của cách mạng, Tổ quốc thứ hai của mình” (2).
Nhưng Liên Xô đã “chết”. Vậy thì hà cớ gì mà giữ cái “Tổ quốc XHCN” đang được quảng bá khắp nơi hiện nay? Tại sao không quay về với tổ quốc là “Đất nước, gắn liền với bao thế hệ ông cha, tổ tiên của mình.” (Đại Từ điển Tiếng Việt)?
Lịch sử, theo cái nhìn của tôi, là kí ức của dân tộc. Môn lịch sử phải có một vị trí trang trọng trong chương trình học, nhưng nội dung thì phải khách quan và tôn trọng sự thật (chứ không phải có quá nhiều gian dối và chính trị hoá như hiện nay). Cách dạy sử ở nước ta hiện nay, cùng khái niệm “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, là một cách tẩy xoá kí ức dân tộc. Những người nhúng tay vào quá trình tẩy xoá kí ức dân tộc phải được xem là có tội với dân tộc.
NVT/BS
--------------
(2) Luận cương của Lê Nin” Về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa ” quyết định bước ngoặt và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh (ĐH Huế) (trích từ Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 11, trang 166).


"TÍCH HỢP" MÔN LỊCH SỬ SẼ LÀ MỘT THẢM HỌA KHÔN LƯỜNG!
 Bài pv PGS-TS Phạm Quốc Sử của THU ANH / BVN 27/11/2015
clip_image001
PGS-TS Phạm Quốc Sử
“Đừng bao giờ nghĩ bảo vệ môn lịch sử là bảo vệ “miếng cơm, manh áo” cho người dạy sử, mà đó còn là bảo vệ sợi dây kết nối tốt nhất của dân tộc hôm nay với nguồn sinh khí truyền thống và thời đại”, PGS-TS Phạm Quốc Sử - Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Thủ đô Hà Nội khẳng định.
Xoay quanh việc tích hợp môn lịch sử được Bộ Giáo dục - Đào tạo nêu ra, cùng với những ý kiến đa chiều từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu sử học, các giáo viên lịch sử, PGS-TS Phạm Quốc Sử đã có những chia sẻ, những quan điểm hết sức thẳng thắn về vấn đề này.
Tìm hiểu, dạy và học lịch sử là vấn đề sống còn của dân tộc
- Thưa thầy, lịch sử và môn lịch sử có vai trò như thế nào trong đời sống hiện nay?
- PGS-TS Phạm Quốc Sử: Lịch sử là thầy dạy của cuộc sống. Hầu hết những gì diễn ra hôm nay đều có nguồn cội, căn nguyên từ quá khứ, hay nói cách khác đó là sự tiếp nối của quá khứ. Bởi thế, muốn hiểu hiện tại, muốn hành xử cho đúng, không lệch lạc trong tương lai thì phải soi chiếu vào lịch sử.
Còn môn lịch sử, nó sẽ giúp chúng ta tìm hiểu quá khứ một cách có hệ thống. Tuy nhiên, có nhận thức đúng về quá khứ hay không còn phụ thuộc vào quan điểm và phương pháp nhận thức, quan điểm và phương pháp nghiên cứu lịch sử, dạy và học sử của mỗi người.
Đất nước, cộng đồng hay cá nhân nào cũng cần đến vai trò của lịch sử. Với dân tộc Việt Nam, việc tìm hiểu lịch sử còn quan trọng hơn nhiều, bởi lẽ đất nước ta luôn bị đe dọa, xâm lăng, ngay cả lúc này. Vì vậy, việc tìm hiểu, dạy và học lịch sử là một trong những vấn đề sống còn của mỗi người trong cộng đồng dân tộc. Hơn nữa, Việt Nam đang ở trong thời kỳ hội nhập, học sử là để hiểu mình, hiểu người, giúp chúng ta biết mình đang ở tầm vóc nào, hiểu rõ bạn bè và kẻ thù của mình, từ đó sẽ hội nhập tốt hơn.
- Theo thầy, việc tích hợp môn lịch sử cùng 2 môn giáo dục công dân và giáo dục quốc phòng thành môn công dân với Tổ quốc thì có hợp lý không và tại sao?
- PGS-TS Phạm Quốc Sử: Bản thân tôi nhận thấy không hợp lý chút nào, thậm chí là phản khoa học, phản chính trị. Chính trị ở đây là muốn nói đến nhận thức non kém, mất cảnh giác khi việc tích hợp có thể làm nhạt nhòa, biến mất môn lịch sử, môn học mà ở bất cứ quốc gia nào cũng được giao một nhiệm vụ tối thượng là trang bị cho người học kiến thức để nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc và nhận diện mọi kẻ thù.
clip_image002
PGS-TS Phạm Quốc Sử cho rằng "tích hợp môn lịch sử sẽ là một thảm họa khôn lường!"
Môn lịch sử không phải chỉ của người dạy lịch sử mà là của nền giáo dục đất nước. Với vai trò quan trọng của nó, đặc biệt là môn quốc sử cùng với môn quốc văn đã được khẳng định rằng không thể nào thiếu và trộn lẫn với các môn khác.
Nếu như môn quốc văn giữ cho dân tộc hồn cốt thiêng liêng để người Việt không quên tiếng Việt và văn hóa Việt thì môn quốc sử giữ cho dân tộc nguồn sinh khí và sức mạnh, giúp cho dân tộc không quỳ gối trước bất kỳ thế lực cường quyền nào. Bởi thế kẻ nào “đánh vào môn lịch sử”, thủ tiêu hay làm biến dạng và tan rã bộ môn này tức là đã chặt đứt động mạch chính kết nối quá khứ với hiện tại, kết nối nguồn sinh khí với cơ thể sống của dân tộc hôm nay.
Quan trọng là lựa chọn cái gì và dạy như thế nào
- Về chuyện tại sao lại có việc gộp môn lịch sử vào môn công dân với Tổ quốc, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: "Thứ nhất là theo tinh thần chủ trương tích hợp. Thứ hai, Luật Giáo dục quốc phòng an ninh được Quốc hội thông qua có quy định giảng dạy lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng. Chúng tôi dự kiến đưa lịch sử vào đó để tránh trùng lặp”. Thầy có ý kiến như thế nào?
- PGS-TS Phạm Quốc Sử: Theo tôi, đây là cách giải thích hoàn toàn không hợp lý. Giải trình thế là sai, bởi mấy lẽ:
Thứ nhất, “tích hợp” là một chủ trương, thậm chí là một chủ trương “sáng giá” của Bộ GD-ĐT, nhưng không có nghĩa là cho phép Bộ lôi tuột tất cả các môn vào đó mà không có cân nhắc. Lịch sử là môn học có thiên chức đặc biệt, cần hết sức thận trọng nếu như định đụng đến nó. Đã trót để cho nó “nhếch nhác” rồi thì giờ là lúc giúp cho nó “phục sinh” chứ không phải làm cho nó bị “hòa tan”! Tiếc là Bộ không có chuyên gia lịch sử, hoặc đã không hỏi các chuyên gia lịch sử về vấn đề này. 
Thứ hai, sao lại sợ trùng lặp kiến thức lịch sử giữ nước với giáo dục an ninh quốc phòng mà bỏ cả môn lịch sử? Vậy lịch sử đất nước trên các bình diện khác (như kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa), lịch sử nhân loại không học nữa sao? Các môn khác có thể sử dụng ít nhiều kiến thức lịch sử, nhưng là để phục vụ cho nhiệm vụ của chúng, không thể thay thế cho hệ thống kiến thức toàn diện và sâu sắc của môn lịch sử được.
Thứ ba, chủ trương tích hợp như vậy là quá đơn giản, thuần túy từ góc độ kỹ thuật mà thiếu nhãn quan khoa học, không có triết lý và tư tưởng trong việc giáo dục học sinh.
- Thầy có cho rằng vì kiến thức lịch sử của ta quá nặng mà chưa có sự đổi mới trong cách dạy, tạo sự thích thú cho người học nên dẫn đến có dự án tích hợp này không?
- PGS-TS Phạm Quốc Sử: Đã có gì mà nặng. Liệu người ta còn muốn cuốn sách giáo khoa lịch sử mỏng thế nào nữa, còn muốn kiến thức lịch sử được dạy trong nhà trường bị lược bớt, giản đơn đến mức nào nữa? Tôi đã cầm hai cuốn lịch sử phổ thông trung học nước Mỹ, mới xuất bản, nó to gần bằng khổ giấy A4 và dày gấp 3-4 lần cuốn lịch sử phổ thông trung học của ta, dày đặc chữ, tranh ảnh và tư liệu. Không thấy dư luận  nước Mỹ kêu ca vì sách dày, kiến thức nặng nề. Hãy nói với học sinh bằng thứ ngôn ngữ uyên bác, có văn hóa của chốn học đường thì mới mong có được những học trò thông thái. Còn nếu cứ cố nói với các em thứ ngôn ngữ thật đơn giản, nôm na cho dễ hiểu, dễ nhớ đến mức cả các bậc phụ huynh vốn thiệt thòi do không được đi học cũng hiểu được, thì e rằng “hậu sinh” không thể “khả úy” được đâu. Kiến thức nặng đến đâu cũng không quan trọng. Quan trọng là lựa chọn cái gì và dạy thế nào.
Cũng không phải không có đổi mới trong cách dạy, cách học. Nói không đổi mới thì quả là phụ công ngành giáo dục, phụ công các thầy cô giáo dạy lịch sử ở trường phổ thông. Công việc này đã thực hiện từ nhiều năm nay rồi, song hiệu quả không đáng là bao. Nhưng nghiêm túc mà nói, với nội dung sách giáo khoa được biên soạn theo hướng chính trị hóa như vậy, lại thêm chỉ đạo môn học có tính pháp lệnh về cách dạy, cách học, cách kiểm tra, thi cử như hiện nay thì có tài thánh cũng không thể đổi mới để dạy hay, học hay lịch sử được.
Đã làm hỏng môn lịch sử, biến nó từ môn học đầy tính hấp dẫn và bác học, thành một môn học buồn tẻ, khiến cho học sinh chán học, giờ đây thay vì đầu tư làm cho nó hồi sinh, trở về đúng với giá trị chân chính và vinh quang của nó, thì lại nhân đó “tích hợp” để bóp chết nó, liệu có phải là việc làm có trách nhiệm với quốc gia, dân tộc không?
Xóa môn lịch sử, không thảm họa thì là gì?
- GS-TS Đinh Quang Báo, Ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia nói: “Không nên đặt vấn đề tích hợp là xóa môn học mà chỉ là tạo ra giá trị mới cho môn học. Tôi không nghĩ, môn sử cứng nhắc đến mức chỉ khi đứng độc lập thì mới giáo dục được”. Thầy nghĩ sao về ý kiến này?
- PGS-TS Phạm Quốc Sử: Phát biểu thế nào là quyền của mỗi người, song ý kiến ấy nếu đúng như vậy thì rất nông cạn và mâu thuẫn.
Tích hợp rõ ràng là xóa một số môn học cũ để tạo ra môn học mới, còn biện hộ gì nữa. Đã tích hợp rồi thì làm gì còn môn lịch sử nữa, mà là môn khoa học xã hội, hay “công dân với Tổ quốc”, trong đó có kiến thức lịch sử được sử dụng một cách vụn vặt, chắp vá, trộn lẫn với kiến thức khác. Đề án đã xác định rõ thế rồi. Mà đã xóa rồi thì làm gì còn giá trị mới nữa. Đã xóa rồi thì làm gì còn có thể phát huy tính giáo dục được với tư cách môn lịch sử nữa. Môn lịch sử nếu không “cứng nhắc” đứng độc lập, mà bị hòa tan, bị thủ tiêu rồi thì làm sao còn giáo dục được. Một vài mảnh thân xác vụn rời của nó trong một cơ thể khác, nếu có phát huy được tính giáo dục, cũng là rất hạn chế, nếu không nói là chẳng đáng kể gì.
- Là người làm công tác giảng dạy lịch sử lâu năm, thầy nghĩ sao nếu việc tích hợp môn lịch sử được tiến hành?
- PGS-TS Phạm Quốc Sử: Nếu việc tích hợp môn lịch sử vào các môn học khác được tiến hành, tôi cho rằng đó sẽ là một hình thái hỗn loạn, sẽ tạo ra những trò cười mới, như lâu nay ta đã chứng kiến. Sách giáo khoa sẽ thay đổi, biên soạn mới, vứt sách cũ, tài liệu cũ đi; việc đào tạo giáo viên lịch sử từ các bậc cao đẳng đến đại học… sẽ phải làm lại toàn bộ, kinh phí tốn kém cho xã hội sẽ không phải là con số 70.000 tỉ đồng mà Bộ đã lộ ra rồi lấp đi như trước đây, mà là vài trăm lần như thế. Nhưng điều quan trọng là sẽ làm hỏng hẳn một nền giáo dục dân tộc. Đến đây thì sẽ là một kịch bản “vỡ nát” và khôi hài từ người dạy đến người học, từ nhà trường đến xã hội về nhận thức lịch sử mà chính những người hôm nay thiết kế và vỗ tay cho “tích hợp” môn lịch sử sẽ phải “im bặt”. Bộ Giáo dục - Đào tạo lúc đó sẽ im bặt. Ngài bộ trưởng hôm nay khi đó đã nghỉ hưu, “hạ cánh an toàn”, còn ngài mới lên sau đó có thể sẽ “nghiêm túc” xin lỗi trước Quốc hội và thanh minh “khi đó tôi chưa phụ trách chính việc này” hoặc “khi đó tôi đang công tác ở nước ngoài”.
- Nếu tích hợp thì các giáo viên, các em học sinh sẽ phải dạy và học như thế nào, thưa thầy?
- PGS-TS Phạm Quốc Sử: Câu hỏi này nên dành cho các tác giả đề án tích hợp môn lịch sử, là Bộ GD-ĐT, và những người bênh vực nó (đề án), bởi tôi là người phản đối thì tôi không hình dung kịch bản việc dạy và học sẽ thế nào.
Theo một người bênh Bộ GD-ĐT, ông nói ý thế này: Việc tích hợp giống như chế biến một “món ăn tổng hợp”! Ông nói, ví như đáng lẽ ta ăn rời từng món: thịt bò, cần tây, tỏi tây, nước mắm…, thì giờ ta cho cả vào xào, được ăn cùng lúc tất cả, mà có khi lại ngon. Cái “khéo” của vị chuyên gia biện hộ lừng danh này là lấy ví dụ từ món xào thịt bò - cần - tỏi vốn đã thông dụng, nhiều người thích. Nhưng cái đáng tiếc là ông lại ví việc tích hợp môn lịch sử, một môn có chức năng giáo dục đặc biệt, đòi hỏi cả tính khách quan khoa học lẫn lý trí và ý thức dân tộc, với việc chế biến món ăn nghiêng về khía cạnh hưởng thụ và tiêu khiển, khoái khẩu thì “xơi”, không khoái thì nhè ra, gọi nhà hàng đến mắng.
Không chỉ khôi hài, mà sẽ là thảm họa khi món lẩu tổng hợp của ông ấy có thể là thịt gà với mắm tôm và bỗng rượu, thịt chó với cá điêu hồng và đường phèn, trứng gà với dấm thanh và tỏi…, và theo ông ấy, liệu đó có thể là những món khám phá mới, hấp dẫn? Ông nói nhiều nước đã làm thế mà và Việt Nam cũng nên làm theo. Theo tôi, vị chuyên gia này sẽ là người thích hợp nhất để trả lời câu hỏi: Nên dạy và nên học môn tích hợp lịch sử như thế nào?
- Thầy nghĩ sao nếu môn lịch sử bị xóa bỏ?
- PGS-TS Phạm Quốc Sử: Đó sẽ là thảm họa cho dân tộc. Bên ngoài thì Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, một số đảo Trường Sa, bên trong thì xóa môn lịch sử, chặt đứt mối liên hệ giữa lớp trẻ hiện tại với truyền thống cha ông. Trong ngoài như thế không thảm họa thì là gì?
Thực ra, những gì diễn ra hôm nay đối với môn lịch sử cũng đã là thảm họa rồi. Những ngày hân hoan mới giành được độc lập, hay đang vượt qua thử thách thù trong giặc ngoài 1945-1946, chắc không ai tưởng tượng sẽ có ngày học sinh tung hê tài liệu môn lịch sử vì “thoát nạn”, không phải thi môn học buồn tẻ khó nhớ này.
Đấy là thảm họa, nhưng không phải chỉ cho mấy cô giáo dạy môn lịch sử trong trường phổ thông, mà cho tương lai của toàn dân tộc. Một thảm họa khôn lường.
Có người nói: Người không hiểu lịch sử thì không khác gì con trâu. Con trâu thì ruộng nào cũng cày, bởi nó không tự biết mình, nguồn cội mình! Thế mà người ta lại định xóa môn lịch sử, thử hỏi có nguy không?
Không xóa, nhưng phải làm lại, đổi mới căn bản môn sử
- Vậy khi việc “tích hợp” bị phản đối, môn lịch sử nên được giảng dạy trên ghế nhà trường theo cách nào, để không lâm vào cảnh bi đát như những gì từng được nhắc đến trong vài năm qua, thưa thầy?
- PGS-TS Phạm Quốc Sử: Đó là một câu chuyện nghiêm túc.
Thứ nhất, đấu tranh cho môn lịch sử tiếp tục có vị trí độc lập trong chương trình giáo dục phổ thông không có nghĩa là duy trì thực trạng môn học đã bị chính trị hóa đến tê liệt trong nhiều chục năm qua, khiến người dạy loay hoay mãi không thể dạy hay được, người học thì chán ngán. Đã đến lúc phải thay đổi căn bản đối với môn học này, từ nội dung đến phương pháp, chứ không chỉ sửa chữa.
Thứ hai, rất cần thiết phải công bố một cách ngắn ngọn, hàm súc cho xã hội hiểu và phân biệt rõ ba khai niệm: Lịch sử, sử học và dạy - học lịch sử, cũng như mối quan hệ giữa ba điều ấy. Việc này không thừa, bởi ngay trong ngành sử không phải ai cũng đã tỏ, còn trong xã hội thì số người hiểu cực ít. Khi giới lãnh đạo chính trị không hiểu thì sẽ xem nhẹ môn lịch sử và khó có thể giải thích, thuyết phục được.
Thứ ba, lịch sử thì khách quan, nhưng sử học và dạy học lịch sử thì không phải như vậy. Trong sử học, nguyên tắc tối thượng là tôn trọng sự thật, nhưng điều này thường bị vi phạm. Khi sử học bị chính trị hóa thì nguyên tắc trên sẽ bị vi phạm, bởi nó buộc sử học phải quỳ gối phục vụ cho mục đích của chính trị mà có trường hợp dẫn đến xuyên tạc sự thật.
Thứ tư, sử học vinh quang thật, nhưng lại rất dễ phạm phải những căn bệnh nặng, những lỗi không nhỏ. Tiếc thay, sử học nước ta đã không tránh được. Một thứ “sử học nhà nước”, “sử học quốc doanh” (phân biệt với sử học chân chính) đang ngự trị.
Một nhà sử học nổi tiếng nước ta mới mất cách đây vài năm, nói: Sử học ta chẳng có tư tưởng gì. Sợ thật!
Bị biến thành công cụ tuyên truyền, đến mức bị chính học sinh chối bỏ, người dân nghi ngờ, rồi lại chính cơ quan giáo dục quyền lực nhất xóa bỏ. Phải chăng, đó là số phận của một thứ sử học “phải đạo”?
Bởi thế, ngành sử cần phải làm lại từ đầu.
Thứ năm, sử học thế nào thì dạy học lịch sử cũng gần như thế, bởi dạy học phải sử dụng thành tựu nghiên cứu của sử học, đồng thời cả hai cùng có chung một “bầu trời”, một thể chế. Tư tưởng chỉ đạo cho sử học, đương nhiên cũng được áp dụng cho dạy học lịch sử. Từ rất sớm, sử học và dạy học lịch sử nước ta đã được tiêm những liều “vắc xin” để ngừa những tư tưởng trái chiều. Nhưng liều tiêm khá nặng, khiến cho đối tượng bị tê cứng, hết sinh khí. Để học sinh chán học sử, để giáo viên không thể giảng hay được tức là môn sử hết sinh khí rồi.
Có người bảo ngành sử các ông toàn chạy theo chính trị, chủ yếu là ca ngợi và lặp đi lặp lại, nên rất nhàm. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Đúng bởi lẽ là sách vở nhiều, tiến sĩ nhiều nhưng chất lượng sử học rất thấp. Song, thử hỏi, nếu anh bị buộc phải tiêm “vắc xin” anh có chống lại được không? Vả lại, những thành quả “nhàm chán” thì anh mới được đọc, còn những thứ “không nhàm chán” thì không dễ xuất bản, và nếu có thì liệu anh có biết đọc không?
Có người nói học sinh chán sử là tại sách giáo khoa của môn này viết khô khan và một chiều. Điều này đúng. Cả giáo trình đại học nữa chứ, đâu  phải chỉ sách giáo khoa đâu. Mà sách giáo khoa là “rút gọn”, là “hạ cấp” của giáo trình. Người viết sách đã quen tư duy thế rồi. Không khô khan, một chiều sao được khi bị chỉ đạo, bị cạo gọt từ chương trình chung đến từng bài học, hoặc do sợ quá mà tác giả tự cắt gọt cho an toàn.  
Có người nói, các thầy cô dạy sử không chịu thay đổi phương pháp nên việc dạy học nhàm chán, học sinh chán học, chất lượng môn sử rơi đến thảm hại. Điều này cũng đúng. Nhưng sự thực, đã có thay đổi bộ phận rồi, nhưng chủ yếu là chuyển từ “đọc chép” sang “nhìn chép” và một vài thứ khác. Song, tài thánh cũng không hấp dẫn được, bởi phải đi theo rãnh chỉ đạo của cấp trên, từ nội dung sách giáo khoa đến các bước lên lớp, giáo án. Có nhiều phương pháp được vận dụng, nhưng chạy đi đâu khỏi khối tài liệu từ đọc thêm đến tranh ảnh, hiện vật, bản đồ, sơ đồ, băng đĩa đều được biên soạn theo cùng một hướng, với vai trò minh họa cho sách giáo khoa. Mọi thứ đều minh họa thêm cho sách giáo khoa, còn sách giáo khoa minh họa cho đường lối chỉ đạo, vậy sáng tạo sao được.
Đã có ý kiến khá hay về phương pháp dạy học thực chứng, dùng tài liệu gốc để khuyến khích học sinh khám phá, tự đưa đến nhận thức bài học lịch sử. Hay, nhưng dùng tài liệu gốc nào đây? Tư liệu gốc có giá trị nhưng “cấm kỵ”, “nhạy cảm” thì không được sử dụng, còn tư liệu không giá trị, không đáng tin cậy, vô thưởng vô phạt thì không dùng còn tốt hơn là dùng. Dẫn học sinh đi thăm bảo tàng ư? Bảo tàng, nhà truyền thống cũng được sắp đặt, được uốn nắn giống như công trình sử học, giống giáo trình, sách giáo khoa và hằng hà sa số tài liệu đọc thêm môn lịch sử. Cứ quyển nọ chép lẫn, xào xáo của cuốn kia thôi, anh chạy đằng trời! Vả lại, tôi bảo anh sáng tạo nhưng anh cứ biết vậy, sáng tạo vừa vừa thôi, anh sáng tạo quá, tôi không kiểm soát được, anh “chệch rãnh” thì sao...
Nhưng xin cảnh báo, ngữ văn và triết học cũng thế. Văn, triết mà chẳng có văn có triết, chẳng có sinh lực gì. Nguyên nhân, thực trạng cũng gần cũng giống như môn lịch sử. Chỉ có điều không bị động đến. Không bị động đến, nhưng không có nghĩa là vô can! 
Cụ Hồ nói “dân ta phải biết sử ta” là để “cho tường gốc tích nước nhà", chứ không phải để càng học càng tối, càng biết càng hoài nghi. Cũng giống như “văn học phải đạo” với công thức dạy văn: Yêu-căm-chiến-lạc (yêu nước, căm thù giặc, chiến đấu, lạc quan tin tưởng), sử học “quốc doanh” không thể làm “cho tường gốc tích”, không làm rạng danh nước nhà  được.
Tóm lại, câu chuyện dạy dỗ thế nào, phương pháp này, nọ vẫn chỉ là phần ngọn của vấn đề. Nếu cứ bàn mãi về phương pháp, cứ trách thầy cô giáo dạy sử thì chỉ là né tránh, luẩn quẩn, thiếu hiểu biết và giỏi “bắt nạt người yếu”. Gốc rễ vẫn là ở tính khoa học độc lập của môn sử, ngành sử. Độc lập ở đây là không bị chính trị hóa, chứ không phải chỉ là môn lịch sử tồn tại độc lập trong chương trình giáo dục phổ thông. Có độc lập thì sẽ có khách quan, khoa học, có cống hiến thực sự cho Tổ quốc, cho dân tộc, cho lẽ sống, sẽ được đời kính trọng, nhà nước nể vì. Có độc lập thì có sáng tạo trong dạy học lịch sử, sẽ có muôn vàn phương pháp tìm hiểu, khám phá lý thú được áp dụng, và học sinh sẽ lại say mê, yêu thích môn học này.
- Xin chân thành cảm ơn thầy!
T.A.

Nguồn: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-giao-duc/tin-tuc-cong-nghe/pgs-ts-pham-quoc-su-tich-hop-mon-lich-su-se-la-mot-tham-hoa-khon-luong-258976.html

ĐỪNG DẠY SỬ NHƯ MỘT MÔN MINH HỌA CHO CHÍNH TRỊ
Bài pv  V.V. TUÂN/ TTO 30/11/2015
TTO - Sáng 30-11, tại Hà Nội, Hội khoa học Lịch sử VN tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7 (2015-2020).
GS sử học Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN trao tặng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
GS sử học Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN trao tặng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến tham dự Đại hội và phát biểu nhấn mạnh:
“Không phải ngẫu nhiên mà thời điểm thành lập Hội Khoa học lịch sử VN lại là năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào thời kỳ cam go, ác liệt nhất. Hình ảnh người chiến sĩ ra trận với hành trang không chỉ là súng đạn mà còn là một quyển sách sử đã trở thành biểu tượng của một đất nước đã huy động cả mấy nghìn năm vào sự nghiệp chống ngoại xâm.
Những chiến công oai hùng của dân tộc ta trong thế kỷ 20 có những cống hiến xứng đáng của các nhà sử học…
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi biển Đông dậy sóng, chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc bị xâm phạm, các nhà sử học đã tích cực nghiên cứu, tìm tòi để đưa ra những bằng chứng lịch sử góp phần khẳng định chủ quyền VN trên biển Đông và với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Chủ tịch nước cũng đề nghị, trong thời gian tới, Hội Khoa học lịch sử VN cần động viên đến mức cao nhất lực lượng và công sức của giới sử học vào việc triển khai và hoàn thành với chất lượng tốt nhất bộ Lịch sử VN theo tinh thần chỉ thị của Ban Bí thư.
Hội sử học cũng cần động viên các nhà sử học tham gia với tư cách là một tổ chức tư vấn, phản biện vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trước hết là vai trò, chức năng của môn lịch sử trong giáo dục phổ thông.
Đồng thời, Hội cần có kế hoạch để giới sử học VN từng bước hội nhập quốc tế, để tranh thủ sự ủng hộ của giới sử học quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
"Việc môn sử được huy động như một môn minh hoạ cho chính trị, đã làm mất đi thế mạnh của môn lịch sử. Môn lịch sử cần phải là một môn khoa học thực sự”.
GS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN
Trong Báo cáo tổng kết hoạt động của Hội Khoa học lịch sử VN khoá 6, ông Dương Trung Quốc - phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội chỉ ra khó khăn lớn nhất của Hội là Trung ương Hội cũng như các tổ chức thành viên hoạt động trong tình trạng không được coi là tổ chức xã hội đặc thù, không có trụ sở, biên chế và trợ cấp.
Về việc dạy và học môn lịch sử trong trường phổ thông, GS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN cho rằng: “Giáo dục lịch sử là giáo dục nhận thức khoa học về lịch sử dân tộc VN và lịch sử nhân loại, chứ không phải là nhồi nhét kiến thức lịch sử.
Chương trình dạy và học môn lịch sử trước đây và cả chương trình xây dựng SGK mới, có nói đến tích hợp, nhưng chỉ là tích hợp kiến thức thôi, tức là làm thế nào đó để có nhiều kiến thức hơn, hoặc dùng lịch sử nói về lòng yêu nước, tự hào dân tộc…như thế là môn lịch sử đã được biến một cách méo mó, không còn là khoa học nữa.
Nếu phục vụ cho việc tuyên truyền trước mắt thì có thể có hiệu quả, nhưng nhìn tổng thể lâu dài trong một chiến lược giáo dục, thì việc môn sử được huy động như một môn minh hoạ cho chính trị, đã làm mất đi thế mạnh của môn lịch sử, làm cho nó yếu kém, không phục vụ được mục tiêu của nó nữa. Môn lịch sử cần phải là một môn khoa học thực sự”.
Tại Đại hội, GS. NGND Phan Huy Lê tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN. Ông Dương Trung Quốc tiếp tục làm phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký của Hội.
Tuy nhiên, GS Phan Huy Lê cho biết ông sẽ nhận và giữ chức Chủ tịch Hội trong vòng một năm tới, sau đó, Ban chấp hành của Hội sẽ bầu người khác thay thế.
V.V.TUÂN

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

20151129. KINH NGHIỆM CHỐNG GIAN LẬN TRONG KHOA HỌC

ĐIỂM BÁO MẠNG
MỘT TRƯỜNG HỢP GIAN LẬN KHOA HỌC HY HỮU
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ BT 26/11/2015
Ranjit Chandra (ảnh trên internet)
Tôi mới đọc tập san BMJ số mới nhất, trong đó có bài viết về trường hợp gian lận khoa học liên quan đến Bs Ranjit Chandra (người gốc Ấn Độ), cựu giáo sư của trường Đại học Memorial (Canada) (1). Chandra còn là một nhà khoa học dinh dưỡng lừng danh thế giới. Nhưng tiếc thay, ông lại là một trong những "con cừu đen" (đen nhất) trong thế giới y khoa.
Chandra là một ngôi sao sáng trong thế giới dinh dưỡng học, người đi tiên phong trong lĩnh vực dinh dưỡng miễn dịch học. Tốt nghiệp bác sĩ ở Ấn Độ, Chandra sang làm postdoc ở London, và leo từng bước trong các thang bậc khoa bảng, lên đến chức giáo sư của Đại học Memorial ở Newfoundland (viết tắt là MUN). Chandra là tác giả của khoảng 200 bài báo khoa học, 190 bài tổng quan, và 22 cuốn sách (2). Với thành tích lừng lẫy như thế, ông được Canada trao huy chương AC. Chandra cũng từng được đề cử 2 lần cho giải Nobel y học. Có thể nói đó là một sự nghiệp chói lọi mà bất cứ ai làm khoa học cũng ngước nhìn với ánh mắt ngưỡng phục.
Thế nhưng ông lại là kẻ xây dựng sự nghiệp trên sự lừa đảo khoa học, và điều đó làm sốc biết bao nhiêu đồng nghiệp. Sự nghiệp của Chandra bắt đầu bằng một nghiên cứu công bố trên tập san y khoa lừng danh BMJ vào năm 1989. Trong nghiên cứu đó, Chandra báo cáo rằng trẻ em uống sữa mẹ ít bị eczma nếu bà mẹ tránh dùng đậu phộng và các chất gây dị ứng. Bài báo còn cho thấy trẻ em dùng sữa có công thức hypoallergenic cũng ít bị eczma hơn trẻ em dùng sữa bò hay sữa đậu nành. Từ đó, ông đề nghị dùng sữa hypoallergenic do công ti Mead Johnson bào chế. Nghiên cứu của ông cũng được bảo trợ bởi ... Mead Johnson! Từ đó, ông thực hiện hàng loạt nghiên cứu để chứng minh luận án về dinh dưỡng miễn dịch học (nutritional immunology) mà ông được xem là một "guru".
Đồng nghiệp bắt đầu nghi ngờ những kết quả quá đẹp của Chandra từ năm 2000. Dạo đó, Chandra nộp một bài báo cho BMJ về hiệu quả của bổ sung vitamin (mà ông là người giữ bằng sáng chế). Chandra cho rằng bổ sung vitamin này làm tăng trí nhớ ở người cao tuổi. Nhưng ban biên tập BMJ chất vấn công trình này, vì họ nghĩ tác giả không thể làm hàng loạt test như trong báo cáo. Còn một chuyên gia thống kê của BMJ thì nghi ngờ Chandra giả tạo dữ liệu. Thế là BMJ từ chối bài báo. Nhưng một năm sau khi bị từ chối, Chandra công bố bài báo trên tập san Nutrition (2001)!
Nhưng trong khoa học kết quả nào quá đẹp đều đáng ... nghi ngờ. Những kết quả của Chandra làm đồng nghiệp ngạc nhiên, và họ bắt đầu tìm hiểu cách ông làm. Qua phân tích dữ liệu, ví dụ như bài này (3), người ta bắt đầu nghi là Chandra đã giả tạo dữ liệu. Đến năm 2005 thì giới khoa học đã chắc chắn là Chandra làm bậy, gian lận. Cả bài báo trên BMJ 1989 và Nutrition năm 2001 đều bị rút lại.
Nhưng Chandra rất cố chấp; ông lập ra một tập san mới tên là Nutrition Research và tự phong mình làm tổng biên tập! Nutrition Research công bố một bài báo của tác giả "Amrit Jain" mà kết quả phù hợp với những công trình trước đây của Chandra. Người ta truy tìm Amrit Jain là ai, nhưng không tìm ra cái địa chỉ Medical Clinic and Nursing ở Ấn Độ, mà chỉ thấy cái hộp thư mướn ở ... Canada. Hoá ra, Amrit Jain chính là Bs Ranjit Chandra! Và, cái tên Amrit Jain có nghĩa là "Tôi là Ranjit".
Nhưng có một cái "twist" còn thú vị hơn nữa! Ngay từ 1995, tức sau bài báo lừng danh trên BMJ, Đại học Memorial (MUN) đã có điều tra về những nghiên cứu của Chandra, và qua kiểm tra hồ sơ, uỷ ban điều tra đi đến kết luận:
• Hoàn toàn không có dữ liệu thô và hồ sơ (“absolutely no raw data (or files) of any kind were exhibited”).
• Uỷ ban đều tra không tìm thấy ai đứng ra tuyển bệnh nhân (“the Committee cannot identify anyone who did the recruiting, cannot identify anyone who did or remembers a significant amount of work”).
• Các đồng tác giả không có hoặc ít liên quan đến bài báo (“the coauathors had little or very likely nothing to do with the work”).
• “it is unbelievable that there are essentially no hospital records to support the study in question”.
Ấy vậy mà MUN không báo cho BMJ, Nutrition, Lancet (những tập san mà Chandra từng công bố) biết kết quả! Khi BMJ hỏi tại sao MUN không báo cáo thì MUN trả lời rằng cuộc điều tra đó có nhiều vấn đề về qui trình, nên Trường không muốn công bố (4). Nhưng trong thực tế thì sau khi biết kết quả điều tra, Chandra doạ kiện MUN ra toà với một cái giá rất lớn (hình như là 132 triệu đôla). Vì thấy "khó ăn" nên MUN không làm gì với Chandra. Đến năm 2002, sau 27 năm làm việc ở MUN, Chandra nghỉ hưu, rời Canada và chuyển sang Thuỵ Sĩ sống.
Nhưng sự việc lại trở nên lùm xùm khi năm 2006 đài truyền hình CBC điều tra những nghiên cứu của Chandra. Thiên phóng sự "The Secret Life of Dr. Chandra" đi ngược về quá khứ, và khơi lại những sai sót của các tập san lừng danh như BMJ và Lancet để cho Chandra qua mặt. Chandra ngược lại kiện CBC ra toà về tội phỉ báng, và đòi bồi thường 137 triệu đôla. Sau nhiều năm xem xét và xử, cuối cùng thì toà án Ontario bác bỏ luận điểm của Chandra. Toà ra lệnh Chandra phải bồi thường cho CBC 1.6 triệu đôla về toà án phí và các chi phí liên quan. Thế là kết thúc một vụ kiện dai dẳng, làm mất thì giờ của rất nhiều phía. Riêng Chandra thì xem như sự nghiệp khoa học sáng chói của ông cũng đến hồi kết thúc, và ông đi vào lịch sử y khoa như là một kẻ gian lận lớn nhất.
Vụ việc này cung cấp cho chúng ta một số bài học đáng chú ý cho những em nghiên cứu sinh và cả những người đang làm khoa học ở Việt Nam. Tôi nghĩ đến những bài học thực tế như là:
• Khi làm nghiên cứu khoa học có liên quan đến con người, cần phải làm đúng qui trình, kể cả chuẩn mực y đức. Phải có sự hợp tác và giám sát của đồng nghiệp, chứ không được và không nên làm một mình mà không cho ai biết. Ranjit Chandra là người gian trá, nên hay giấu giếm đồng nghiệp, không cho họ biết ông làm gì.
• Tất cả các dữ liệu thô, kể cả hồ sơ bệnh nhân, kết quả xét nghiệm, hình ảnh, v.v. phải giữ cho kĩ và cẩn thận và bảo mật. Cái gian dối lớn nhất và cũng là cái tội lớn nhất là Chandra không hề lưu giữ dữ liệu thô, nên khi Trường điều tra, họ chẳng thấy đâu cả. Thật ra, đã làm gian dối thì làm gì có dữ liệu gốc.
• Nên minh bạch trong nghiên cứu với đồng nghiệp về tác giả. Thời đại ngày nay, một nghiên cứu qui mô về y khoa mà chỉ có 1 tác giả thì rất ít ai tin, mà thường là có một nhóm tác giả cùng làm. Nếu có nhóm tác giả phải tất cả bàn luận phải giữ làm hồ sơ, chứ không nên ôm đồm.
• Trường đại học phải có sẵn cơ chế để đối phó với các trường hợp gian lận khoa học. Trong trường hợp này (Ranjit Chandra) trường MUN bị phê bình gay gắt vì đã không có hành động và quyết định đúng đắn. Cựu tổng biên tập của BMJ là Richard Smith nói thẳng thừng rằng MUN đã thất bại thảm hại, và chính là "real villain" (côn đồ chính hiệu)! MUN biết người của họ là gian dối, mà không nói. Nói theo văn hoá ta là “Biết mà không nói là bất nhân", và đây chính là trường hợp của MUN.
Trong thời gian gần đây, gian lận trong khoa học càng ngày càng nhiều. Chẳng những nhiều, mà cường độ càng "mạnh", với những ca gian lận rất lớn. Có người phải rút lại hàng trăm bài báo khoa học! Nhưng lường gạt mà còn đe doạ kiện đại học, kiện tập san khoa học, và kiện luôn các cơ sở truyền thông thì từ trước đến nay chắc chỉ có Ranjit Chandra. Gian lận trong khoa học có nhiều lí do, kể cả áp lực công bố quốc tế, áp lực được nổi tiếng và giữ cái tiếng trên trường quốc tế, nói chung là danh vọng. Chính danh vọng làm cho người ta mờ mắt và lao vào những việc làm bất chính. Trong khoa học, gian dối một vài lần thì có thể qua mặt được vài người, nhưng về lâu dài thì khó qua mặt cộng đồng khoa học. Nói như Thánh John, "The truth shall make you free" (Sự thật sẽ giải phóng cho bạn), nhưng trước khi được giải phóng thì nạn nhân phải chịu đau khổ.
====

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

20151128. CHUYỆN CƯỜI CƠ QUAN HỌ TA

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐẠI TANG ?
Theo email TRẦN ỨNG 22/11/2015
Trước cổng cơ quan nhà nước, một bác nông dân thập thò, nghiêng ngó. Thấy vậy, anh bảo vệ quát to:
- Ông kia! Tới có chuyện gì?
- Tôi muốn gặp giám đốc xin cái giấy xác nhận!
- Hôm nay giám đốc nghỉ lo đám tang. Bố giám đốc vừa mất!
- Vậy cho tôi gặp phó giám đốc được không?
- Cũng không được! Vì bố phó giám đốc cũng vừa mất!
Vẻ thất vọng lộ rõ trên gương mặt bác nông dân, nhưng bác vẫn cố hỏi thêm:
- Vậy cho tôi gặp trưởng phòng được không?
- Không được! Bố chồng của trưởng phòng vừa mất.
- Vậy cho tôi gặp phó phòng!
- Không được! Hôm nay phó phòng nghỉ lo đám tang. Ông nội phó phòng vừa mất!
- ĐKM! Anh đùa tôi đấy à? Chết đéo gì mà lắm thế?
- ĐKM! Ông chửi ai đấy hả? Đã không biết thì im mồm đi! Chết mỗi người chứ lấy đéo đâu ra mà lắm! Bố của giám đốc thì cũng là bố của phó giám đốc, thì cũng là bố chồng của trưởng phòng và là ông nội của phó phòng. Vì giám đốc là anh ruột của phó giám đốc, là chồng của trưởng phòng và là bố đẻ của phó phòng. Ông dù chỉ chửi một người nhưng lại là chửi cả cái cơ quan này đó! Ông biết chưa hả? Thôi, về đi cho tôi đóng cổng cơ quan!
- Vẫn sớm mà! Sao đóng vội thế?
- Tôi phải về lo đám tang. Bác tôi vừa mất