Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

20150930. TỰ HỎI TỰ ĐÁP VỀ GIÁ ĐIỆN

ĐIỂM BÁO MẠNG
TỰ HỎI TỰ ĐÁP VỀ GIÁ ĐIỆN
NGÔ THẾ BÍNH
 Vào những ngày trung tuần của tháng 9/2015 cả xã hội gần như “sôt”chăm chú theo dõi  những công bố của Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) về các phương án đổi mới giá diện dùng cho sinh hoạt. Không chăm chú theo dõi sao được khi bất cứ hộ gia đình nào (trừ nơi xa xôi hẻo lánh) cũng dùng tới điện, trong khi EVN lại quá “nổi tiếng” về  chuyện đòi tăng giá điện, đe dọa túi tiền của dân nhất là dân nghèo, trong khi rất kém cỏi trong quản lý, mù mờ thông tin …Tôi cố gắng đọc các bài trên mạng [ 1,2,…19 ] để tự mình giải đáp những câu hỏi có liên quan. Rất mong ai đó đọc bài này chỉ ra cho tôi những hiểu biết sai, thiếu, và tất nhiên tôi sẽ cám ơn nhiều.

  1. Điện là hàng hóa có đặc điểm gì ?

    - vô hình theo nghĩa không có hình dáng, kích thước cụ thể mà con người có thể “nhìn” thấy được; nhưng có thể đo quy mô hàng hóa đã mua (bán) đó là năng lượng điện, tính bằng KWh ;
    - không có hàng (điện năng) dự trữ trong kho của người sản xuất cũng như người tiêu dùng;
    - Điện là một trong những mặt hàng cho đến nay được nhà nước định giá, theo Điều 7 Nghị định số: 75/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Giá số 40/2002/ UBTVQH10.

  1. Có đúng không khi Ông Phạm Quang Tri Phó TGĐ EVN cho rằng càng sản xuất nhiều điện thì ngành điện càng phải chịu chi phí cao” [11] ?
  
    Không rõ ràng và chính xác !  Chi phí ở đây là tính cho 1 KWh hay  tổng chi phí mà EVN phải bỏ ra hàng năm.  Không nhất thiết cả 2  chỉ tiêu  này cùng tăng  khi tăng sản lượng điện. Rất tiếc,  cả 2 số liệu này tôi đều chưa  nhận được thống kê và công bố !
    Theo tôi, EVN chỉ phải tăng tổng chi phí  khi  tăng công suất phát điện, bao gồm chi phi khấu hao tài sản cố định do đầu tư tăng công suất các nhà máy phát điện trong ngành, chi phí mua điện ngoài ngành, mua điện nước ngoài… Nếu không phải tăng công suất thì chi phí sản xuất về cơ bản không thay đổi, nếu tăng là do lỗi quản lý ngành điện: tổn thất điện năng, lãng phí vật tư, nhân công; bộ máy quản lý cồng kềnh; hạch toán vào chi phí sản xuất những chi phí không hợp pháp như: xây dựng biệt thự, sân tenis …[2], lỗ [1, 3]. Ngoài ra tăng chi phí còn do nguyên nhân  thị trường (tăng tỷ giá VNĐ/USD;  tăng giá cả các yếu tố đầu vào ); 

  1. Điện là hàng hóa độc quyền bán của EVN ?

    Tôi không  nắm chính xác là EVN độc quyền bán trên những thị trường nào! Nhưng với thị trường điện sinh hoạt (TTĐSH) thì chắc chắn  EVN là nhà độc quyền bán. Theo Ông Ngô Trí Long [16] thị phần này của EVN chiếm 11%. Nhưng đã là nhà độc quyền bán điện, thì giá điện  là giá độc quyền (không phải giá thị trường). Theo Dự thảo báo cáo chính trị của ĐH 12  Đảng CSVN [19] thì  thị trường hóa đối với giá điện (cũng như đối với xăng dầu, than, nước, dịch vụ giáo dục, y tế …) vẫn phải  theo lộ trình (không biết đến bao giờ) vì phải “ gắn với hỗ trợ  các đối tượng chính sách, hộ nghèo, vùng khó khăn” (?)

  1. EVN phải tuân theo những quy định pháp luật gì khi Nhà nước định giá ?

- về căn cứ chung:  theo Điều 8 của Pháp lệnh Giá thì đó là:  chi phí sản xuất, lưu thông; quan hệ cung cầu; sức mua của đồng tiền Việt Nam; giá thị trường trong nước và thế giới và chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. (Rất tiếc với những căn cứ này tôi chưa hiểu lợi nhuận cho doanh nghiệp được xét ở đâu ? )
- hình thức định giá của nhà nước: theo Điều 7 của Pháp lệnh Giá thì có 4 hình thức: a) Mức giá cụ thể; b) Mức giá chuẩn; c) Khung giá; d) Giá giới hạn tối đa, tối thi
- Rất tiếc tôi chưa có văn bản, tài liệu nào cho biết phương pháp, quy trình thực hiện các hình thức định giá nêu trên.Tôi cũng  không nắm được EVN phải nhận hình thức định giá nào và bằng bao nhiêu hiện nay? Áp dụng cho thị trường nào?  Phải chăng giá 1.747 đ/KWh [6] là mức giá cụ thể áp dụng cho TTĐSH? (không biết)
  1. EVN có thể chọn các kiểu định giá gì cho TTĐSH ?
-Theo lý luận marketing, có 2 kiểu định giá: định giá một mức và định giá nhiều mức. Định giá một mức là chỉ có một mức giá áp dụng cho một mặt hàng, không phân biệt các phân khúc thị trường khác nhau. Định giá nhiều mức là có nhiều mức giá (từ 2 trở lên) áp dụng cho cùng một mặt hàng với sự phân biệt phân khúc thị trường. Định Giá nhiều mức, còn gọi là định “giá phân biệt” hay EVN còn gọi định “giá bậc thang”. Việc phân khúc các thị trường có thể căn cứ theo vùng địa lý, thời gian, đặc điểm khách hàng về thu nhập, về sự cần thiết khuyến khích mua … Cả 2 kiểu định giá đều được đề cập trên các phương án giá điện mà EVN giới thiệu [ 4, 6, 9, 12, 13, 14, 15].
  1. EVN phải có điều kiện gì để áp dụng kiểu định giá nhiều mức cho TTĐSH ?
Cả 2 kiểu định giá EVN đều có điều kiện áp dụng vì EVN là nhà cung cấp độc quyền. Nhưng nếu chọn kiểu định giá nhiều mức thì nhất thiết phải bảo đảm thêm những điều kiện sau:
a) tồn tại trên thị trường điện sinh hoạt ít nhất 2 phân khúc có độ co dãn của cầu theo giá xấp xỉ bằng 0; Có như vậy thì EVN mới thiết kế được bảng giá (số lượng mức giá, trị số từng mức giá) bảo đảm doanh thu không thay đổi theo giá quy định của Nhà Nước.
b) kiểm soát được nhu cầu thực tế của các phân khúc TTĐSH. Có như vậy thì EVN mới đánh giá đúng giá điện bình quân dự kiến cũng như thực tế.
-Rất tiếc cả 2 điều kiện trên tôi chưa nhận được thông tin nào chứng minh, lý giải cụ thể !
  1. Lý do nào khiến EVN muốn áp dụng kiểu định giá nhiều mức cho TTĐSH ?
-Lý do chính thức được công bố gồm có: khuyến khích tiết kiệm điện và hỗ trợ người nghèo.
Rất tiếc cả 2 lý do này chưa thật sự nhận được sự đồng thuận của dư luận.
-Tiết kiệm điện chỉ liên quan chủ yếu và trực tiếp đến lợi ích người dùng điện chứ không phải của người sản xuất điện (EVN). Hơn nữa nếu ảnh hưởng đến EVN thì phân khúc TTĐSH như trên đã nêu mới chỉ chiếm 11% thì ảnh hưởng này không thể cho là lớn. Thế nào là tiết kiệm điện ? chẳng lẽ buộc người dân không sử dụng những tiện ích như TV, tủ lạnh, quạt, điều hòa, máy tính v.v mà ngày nay không còn quá cao cấp, lãng phí.
-Hỗ trợ người nghèo ? EVN không trực tiếp hỗ trợ người nghèo, mà qua định giá nhiều mức để lấy tiền của “người giàu” bù đắp cho “người nghèo” còn doanh thu vẫn giữ nguyên như dự tính. Theo tác giả  Hoàng Sơn[16] thì các phương án đều được dự tính bảo đảm doanh thu cao hơn trước 7,7% ! Tôi cho rằng lý do này mang tính ngụy biện, vừa che dấu được sự thật EVN vẫn “nắm đằng chuôi” doanh thu, lợi nhuận vừa được tiềng phục vụ “chính sách hỗ trợ người nghèo” của Nhà nước.
Tôi cho rằng “chính sách hỗ trợ người nghèo” thì phải được thực hiện chủ yếu bằng hệ thống công cụ mang tính trực tiếp như cho vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách, trợ cấp, miễn giảm thuế thu nhập… , tức là những công cụ của nhà nước chứ không phải gián tiếp qua công cụ giá của doanh nghiệp. Để thực hiện những công cụ đó nhà nước phải có “chuẩn nghèo” rõ ràng, hợp lý chứ không phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng điện như EVN đã làm. Nguồn vốn thực hiện các công cụ đó chính là ngân sách nhà nước lấy từ thuế của dân, trong đó có thuề giá trị gia tăng (GTGT) của người dùng điện. Thuế GTGT hiện được tính thêm trong hóa đơn bằng 10%  giá điện năng sử dụng, nên với mức giá càng cao thì người dùng nhiều điện không chỉ trả cho EVN nhiều hơn mà cũng nộp thuế GTGT nhiều hơn cho nhà nước so với người dùng ít điện !

  1. EVN có nên dùng kiểu định giá một mức ?

Sao lại không ? Những điều trình bày ở câu hỏi trên cho phép tôi trả lời như vậy. Đó cũng là ý kiến tác giả bài báo [16]. Thay vì phải luận cứ cho bảng giá “bậc thang” hết sức khó khăn, phức tạp, mất thời gian,  EVN chỉ cần làm tốt công tác hạch toán, phân bổ  chính xác chi phí vào giá thành 1KWh  điện, đồng thời  thực hiện kiểm toán minh bạch  !

NTB 30/9/2015

Tài liệu tham khảo

12. EVN đề xuất 3 cách tính giá điện: Không hợp lý! - Báo Đất Việt

13. Biểu giá điện mới phải hợp lý, minh bạch | baotintuc.vn

14. Kiểm toán để đánh giá về tính trung thực, hợp lý của giá điện

  1. Báo Nhân Dân - Biểu giá điện - Bóp chỗ nọ, phình chỗ kia
  2. Một giá điện, tại sao không?(TBKTSG)
  3. TS. Nguyễn Đức Kiên: Giá điện phải đảm bảo quyền lợi cho số đông

18. Giá điện bất hợp lý: Bộ Công Thương chân 'đá bóng', miệng  thổi còi...

19. Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng 12(VNN 15/9/2015 )

20. GIÁ ĐIỆN THẾ NÀO LÀ HỢP LÝ ? (ngothebinh’s blog 19/9/2015)

 

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

20150929. VỀ XẾP HẠNG ĐẠI HỌC QS 2015

ĐIỂM BÁO MẠNG
THẤY GÌ TỪ BẢNG XẾP HẠNG ĐẠI HỌC QS 2015 ?
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN / tuan's blog 26/9/2015
Sáng nay tôi đọc bảng xếp hạng đại học của QS mới công bố (1), và có hứng làm một bài tập về phân tích bằng biểu đồ (cũng là học R luôn). Vì tôi có dữ liệu của năm 2011, nên có một kết quả thú vị. Câu hỏi tôi đặt ra là các đại học đã biến chuyển ra sao trong bảng xếp hạng "Top 100" trong thời gian 5 năm qua. Kết quả sẽ làm các bạn sẽ ngạc nhiên một cách thích thú ...
Phân bố theo vùng
Trong số 100 đại học hàng đầu năm nay, bảng phân bố vùng vẫn không khác mấy so với năm trước. Đứng đầu là Âu châu, với 37 trường, kế đến là bắc Mĩ (36), Á châu (19), Úc và Tân Tây Lan (8). So với bảng xếp hạng 2011 thì phân bố vùng năm 2015 này gần như không thay đổi.
Phân bố theo nước
Tính ra, chỉ có 17 nước là có tên trong bảng xếp hạng "Top 100". Biểu đồ dưới đây cho thấy nước nào, và có bao nhiêu đại học cho mỗi nước. Đứng đầu vẫn là Mĩ (26 trường), kế đến là Anh (16), và Úc (7). Nhật có 5 trường lọt vào top 100. Hồng Kong, Hà Lan, Canada, mỗi nước "góp" 4 trường. Riêng Tàu và Hàn Quốc năm nay, mỗi nước có đến 3 trường lọt vào top 100.
Biểu đồ 1: Số đại học có tên trong bảng xếp hạng "Top 100" của QS University Ranking 2015/2016. Chỉ có 17 nước có tên trong bảng Top 100, đứng đầu là Mĩ, kế đến là UK, và Úc. Còn lại là các nước khác ở Âu châu và Á châu.
Phân bố theo trường
Về phân bố theo trường, thì "top 10" vẫn bị "thống trị" bởi các trường bên Mĩ và Âu châu (theo thứ tự): MIT, Harvard, Cambridge, Stanford, Caltech, Oxford, UCL, Imperial College, ETH, và Chicago.
Nhưng đáng chú ý là các trường Á châu đứng cao hơn các trường Úc. Chẳng hạn như NUS (Singapore) đứng hạng 12, Nanyang (13), Thanh Hoa (25), Hong Kong (30) SNU (Hàn Quốc) còn cao hơn cả các trường G8 của Úc như ANU (hạng 20), Melbourne (42), Sydney (45), UNSW (46), Queensland (47).
Biến chuyển giữa 2015 và 2011
Biểu đồ kèm theo đây thể hiện mối tương quan giữa hạng năm 2011 (trục hoành) và hạng năm 2015 (trục tung). Những trường nào không thay đổi nằm trên đường tham chiếu màu đỏ. Những trường nào nằm dưới đường màu đỏ có nghĩa là tăng hạng. Ngược lại, những trường nào nằm trên đường tham chiếu là giảm hạng. Như có thể thấy, có khá nhiều trường đại học Á châu tăng hạng so với năm 2011. Một vài trường hợp tiêu biểu là như sau:

Trường đại học
Hạng năm 2015
Hạng năm 2011
Biến chuyển
NUS (Singapore)
12
26
+14
Nanyang
13
58
+45
Thanh Hoa
25
47
+22
HKUST
28
40
+12
SNU
36
42
+6
KAIST
43
90
+47
NTU (Taiwan)
72
87
+15
Giao thông TH
73
Không có

Postech (Hàn Quốc)
88
98
+10
Úc



ANU
20
26
+6
Sydney
45
38
-13
UNSW
46
49
+3
Melbourne
42
31
-11
Queensland
47
48
+1
Western Australia
98
73
-25
Ở Úc, trường ANU và UNSW tăng hạng, nhưng Melbourne và Sydney bị giảm; hai trường này năm nay khó có lí do để ăn mừng!
Một số trường có mặt trong bảng xếp hạng top 100 năm 2011 đã biến mất trong năm 2015 là St Andrews, Dartmouth, Alberta, Adelaide. Thay vào đó là các trường mới như ĐH Giao Thông Thượng Hải lần đầu tiên xuất hiện với hạng 73.
Biểu đồ 2: Mối tương quan giữa hạng năm 2011 và năm 2015 của 100 trường đại học trong bảng xếp hạng QS University Ranking. Những trường nằm dưới lằn màu đỏ có nghĩa là tăng hạng; những trường nằm trên đường màu đỏ có nghĩa là tụt hạng.
Như vậy, rõ ràng là các nước châu Á mới nổi đã tăng số đại học trong bảng xếp hạng "Top 100". Biểu đồ dưới đây cho thấy các nước Á châu tăng hạng là Singapore, Korea, China, Hàn Quốc. Trong khi đó, Nhật bị tụt hạng.
Biểu đồ 3: So sánh hạng (rank) năm 2015 và 2011, và tính cho từng nước. Những nước nằm phía bên trái của trục 0 là tăng hạng; còn nằm bên phải của trục 0 là tụt hạng.
Nói tóm lại, bảng xếp hạng đại học năm 2015 (của QS) cho thấy các đại học Âu châu và Mĩ bị giảm tụt hạng, và thay vào đó là các đại học Á châu lại được nâng cao hạng, đặc biệt là các đại học của Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kong, và Tàu.
Nhìn vào bảng xếp hạng và cái "dynamic" này, có lẽ các bạn sẽ hỏi Việt Nam chúng ta đứng ở đâu, và làm gì để đại học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng này? Chỉ có nghiên cứu khoa học mới nâng được tầm của các đại học Việt Nam. Nhưng hiện nay, các đại học hàng đầu của VN còn quá kém về lĩnh vực này, nên khó có thể nói chuyện hội nhập quốc tế được. Rất đau lòng để mà nói rằng một nước không chịu phát triển (2) thì, mượn cách nói của một bài báo (3), đừng có mơ được nằm trong danh sách này. Một cải cách nhỏ về chức danh giáo sư mà còn làm không được thì nói gì đến chuyện lớn hơn là cải cách nghiên cứu khoa học.
====
 CÓ SỰ ĐÓNG GÓP CỦA NGƯỜI VIỆT ?
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ tuan's blog 27/9/2015
Nhìn bảng xếp hạng đại học toàn cầu của QS, và sự tăng hạng của các đại học của Hàn Quốc, Singapore, và sự trống vắng của các đại học Việt Nam, bất cứ ai quan tâm đến vấn đề cũng có chút ... chạnh lòng. Tôi nghĩ người Việt chúng ta đã đóng góp một phần cho sự thăng tiến của các đại học 2 nước về kể.
Ở các trường danh giá của Singapore, tôi thấy có nhiều người Việt mình. Ba năm trước tôi ghé Singapore làm việc, và có dịp trò chuyện cùng các bạn trong NUS, thì mới biết có khá nhiều (con số hơn chục người cấp tiến sĩ) người Việt mình qua đầu quân cho NUS. Chưa kế con số ở Nanyang cũng khá nhiều. Một số là Việt kiều từ các nước phương Tây về lập lab, một số thì "tị nạn khoa học" từ Việt Nam sang. Tôi nghe nói NUS trả lương cho người nước ngoài cao hơn người trong nước, chẳng biết thực hư ra sao.
Chẳng những người Việt qua Singapore tị nạn khoa học hay đầu quân, mà Singapore còn thu hút học sinh giỏi của VN. Hôm về quê, tôi thấy NUS còn có chiến dịch vào tận tỉnh lẻ để thu hút học sinh giỏi Việt Nam qua cho học bổng. Tôi còn nhớ tấm biểu ngữ khổng lồ ở Rạch Giá viết là "Đại học Quốc gia Singapore đã đến Rạch Giá!". Chính tôi đã từng giúp một cháu, là con của một người bạn ở Rạch Giá, phỏng vấn cho nó đi Singapore.
Singapore dĩ nhiên không phải là nước thu hút nhân tài Việt Nam, mà Hàn Quốc còn cạnh tranh hơn nữa. Năm ngoái trong một chuyến công tác ở Hàn Quốc, tôi có cơ duyên gặp vài bạn nghiên cứu sinh bên đó cũng tham gia hội nghị. Người xa xứ gặp nhau nơi đất khách rất dễ làm quen, và thế là chúng tôi có một buổi trò chuyện trong đêm dạ tiệc và sau đó ở nhà hàng do tôi thiết đãi (nghiên cứu sinh nghèo rớt mồng tơi, tiền đâu mà đãi). Tôi ngạc nhiên khi biết con số sinh viên và nghiên cứu sinh người Việt trên đất Hàn cả ngàn người.
Các nghiên cứu sinh ở Hàn Quốc làm việc như "trâu". Nghe các em kể thì môi trường làm việc cực nhọc chẳng khác gì bên Mĩ, nhưng thoải mái hơn bên Úc. Em kia kể là ở trường em (hình như là Postech), nghiên cứu sinh làm việc từ sáng đến 9-10 giờ đêm là bình thường. Thầy cô cũng thế, chứ chẳng riêng gì trò. Thầy cô toàn từ Mĩ về, và họ rập khuôn Mĩ. Họ cạnh tranh kinh khủng trong công bố quốc tế. Văn hoá "Publish or Perish" ở Hàn Quốc là một thực tế. Không có công bố quốc tế là không cho bảo vệ luận án. Mà, không chỉ công bố linh tinh, phải công bố trên tập san đàng hoàng. Có 1 trường hợp bi thảm, khi một nghiên cứu sinh người HQ chịu không nổi đành tự mình tìm đến cái chết.
Hãy xem qua công bố quốc tế của Singapore, Hàn Quốc và vài nước ASEAN để biết họ ở đâu và ta ở đâu. Số liệu dưới đây trình bày số bài báo trên các tập san trong danh mục ISI trong thời gian 2006-2010:
ĐHQG Singapore (NUS): 28972 bài;
ĐHQG Seoul (SNU): 27089;
UNSW (Úc): 21459;
ĐH Sydney: 26865;
ĐH Malaya: 6755;
ĐH Mahidol: 6217;
ĐHQG-HCM: 720.
Chỉ riêng trường NUS và SNU đã công bố gấp 40 lần trường ĐHQGHCM!
Công bố quốc tế đóng vai trò quan trọng trong bảng xếp hạng. Con số bài báo khoa học có trọng số 60% trong thứ hạng đại học của QS. Trong những con số trên của SNU và NUS, chắc chắn có đóng góp của các nghiên cứu sinh Việt Nam. Tôi không biết mức độ đóng góp là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là có đóng góp. Nếu hai trường đó có 500 nghiên cứu sinh VN, và mỗi em đóng góp 3 bài trong thời gian 2006-2010, thì con số là ~1500 bài. Dù con số đó vẫn chưa đủ để nâng cao VN lên bảng "Top 100", nhưng nhiều người như thế thì tiềm năng là khá cao.
Dĩ nhiên, các bạn có thể phản bác là dù ở ngoài thì người VN có đóng góp như thế, nhưng về đến VN thì sẽ "tịt ngòi". Đúng là chuyện đó có thể xảy ra, vì môi trường VN quả là chưa lành mạnh cho khoa học. Tôi cũng đồng ý là có tình trạng đó. Nhưng kinh nghiệm cá nhân của tôi là trong cái khó và thiếu lành mạnh đó thì vẫn có nơi chào đón. Chẳng hạn như cá nhân tôi cũng đã đóng góp cho VN vài chục bài trong thời gian qua, và phần lớn là nhờ hợp tác với đồng nghiệp trong nước. Tôi biết có vài đại học mới như Duy Tân, TDTU, ĐHQT, v.v. sẽ chào đón các bạn. Nếu như mai mốt các bạn tốt nghiệp và có công bố quốc tế tốt trong di truyền học thì tôi rất muốn chào đón về lab tôi ở Việt Nam. Sau một thời làm thuê cho người ở ngoài, thì cũng nên nghĩ đến ngày về làm "thuê" cho VN. Chỉ có thế thì may ra VN mới có cơ may có tên tuổi trong bảng "Top 100" của QS.
TB: Tôi còn biết là Mã Lai và Thái Lan đang có kế hoạch biến vài đại học của họ thành World Class, và họ nhắm đến Việt Nam để thu hút nhân tài. Họ thừa biết VN trả lương bèo, nên họ có lợi thế thu hút người giỏi từ VN. Một ông giáo sư của Malaya (trước kia là bộ trưởng Bộ giáo dục Mã Lai) nói với tôi như thế trong một hội nghị.
====
Ý kiến của vài bạn nghiên cứu sinh:
LMB: Sinh viên VN ở Hàn Quốc hơn 5000 người, đa phần là Graduate, và số lượng sinh viên ngày càng tăng lên (năm 2010 chỉ tầm 3000). Em lấy ví dụ, trường University of Ulsan có khoảng 150 người VN đang học tập nghiên cứu, họ chính là đội ngũ hùng mạnh nhất đóng góp các bài báo SCI. Có những Lab chỉ toàn người VN, họp Lab bằng tiếng Việt luôn. Vị thế của trường Ulsan, nằm trong top 100 của châu Á, nhờ sự đóng góp không nhỏ của NCS VN.
MTL: Em cũng đang học graduate ngành Network của 1 trường ở Hàn Quốc. Riêng ngành của em thì Sinh viên VN chiếm >80% số bài báo xuất bản của trường. Bên này tụi em lên lab lúc 9h30am và về ngủ lúc 12h00pm, không có khai niệm cuối tuần hoặc holiday.
PNH: Con đang làm lecturer ở trường UTM ở Kuala Lumpur cũng có 15 người Viet là đồng môn á thầy, thật tự hào khi ở đất khách quê người được cưng như trứng hứng như hứng hoa, về quê choa đất tổ thì cứ như cỏ rác.
TP: Dạ em cũng mới ở NCCS bển về. Bên NCC tại Sing có người gốc Việt, nói tiếng Việt mà có bài đăng trên Nature luôn thầy ơi. Họ tuyển mình làm culi mà có thể trả 5000, trong khi chính phủ VN hiện trả lương cho e chưa đến 500... Còn A Prof người Việt tại NUS cũng có nữa, trả lương khoảng 11000 và trợ cấp nơi ở,... Đâu cũng có dấu chân giới khoa học VN, ngoại trừ trên chính quê cha đất tổ.
AN: Ở Đài Loan cũng thu hút du học sinh Việt Nam y như Hàn Quốc vậy đó thầ. Chính sách giáo dục sau ĐH cũng y vậy. Số SV sau ĐH người VN chắc cũng cảnh học cả ngàn, chưa kể SV ĐH nhiều hơn gấp nhiều lần. Ngay từ bậc cao học đã phải công bố quốc tế, tùy độ khó của lab mà phải có 1 đến 3 bài đăng tập san mới được lấy master... và thời gian ở lab đến 12g khuya hoặc suốt đêm hầu như không đếm hết.
BD: Anh Tuấn ơi, đó là chưa kể những đóng góp của người gốc Việt ở các nước phương Tây như Mỹ, Pháp, Đức, Úc vv. Đây chính xác đúng là trường hợp của cây trồng một nơi thì ra quả ngọt, đem về nơi khác thì ra quả chua hay tệ hơn, là chết ngắc. Không phải là lỗi ở cây mà do đất nhưng ngay cả trong trường hợp này cũng vì người ta đã bỏ chất độc vào giết hại đất mà ra.