Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

20141130. NGHĨ VỀ NHƯỢC ĐIỂM CỦA CHỈ TIÊU GDP

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHỮNG THÂN PHẬN BỊ BỎ QUÊN SAU NỖI ÁM ẢNH GDP
Theo Diễn Ngôn/ BVB 23/11/2014
***
***
Con số GDP không có hình ảnh người phụ nữ nhặt rác trong thùng hay hình ảnh chiếc Roll-Royce lấp lánh bên đường. Con số GDP không có cái rùng mình trong gió lạnh của em bé người Mông hay hơi ấm của bộ áo lông trên mình cô người mẫu.
Tại sao Việt Nam lại đang có nguy cơ tụt hậu so với ngay Campuchia vàMyanmar? Có phải vì chúng ta đang tôn vinh những giá trị ảo, đang chạy theo những mộng tưởng, và đang bị mờ mắt vì các đồ dùng xa xỉ?
Chúng ta đang chăm chăm vào con số GDP coi nó như một chỉ số thần kỳ của phát triển. Chúng ta tính vào đó những con đường đào lên rồi lấp lại, những dòng sông ô nhiễm vì chất thải, và những khoản vay để đảo nợ đến hạn. Chúng ta tính những khu chợ xây xong rồi bỏ hoang, những con tàu phế thải nhập về làm sắt vụn, và nguồn thu từ quảng cáo rượu bia hay thuế từ thuốc lá đầu độc tuổi trẻ. Chúng ta tính cả các khu rừng tự nhiên bị đốn đổ, những trại cải tạo dựng lên cho người nghiện, và ngoại hối gửi về từ những người phụ nữ lấy chồng xa.
Tiếc thay, con số GDP không đảm bảo sức khỏe cho người dân khi hàng đoàn người chen chân trước cổng bệnh viện K xét nghiệm ung thư sớm. Con số GDP không đảm bảo chất lượng giáo dục cho thanh niên khi hàng trăm nghìn sinh viên ra trường không có việc làm. Con số GDP không làm nên vẻ đẹp của thi ca, sự thanh tao của âm nhạc, và phong cách bứt phá của hội họa. Cuộc sống tinh thần của dân đô thị nghèo nàn với việc xách xe ra đường, trà chanh chém gió ở Hà Nội hay vùi đầu vào game ở Sài Gòn.
Con số GDP không làm cho các cuộc tranh luận xã hội sắc bén về đạo đức, thách thức các áp đặt về tư tưởng, hay khám phá các con đường phát triển cho Việt Nam. Con số GDP không tăng sự liêm chính cho công chức, thúc đẩy sự minh bạch trong chi tiêu công, hay trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước. Con số GDP không tăng sự công minh của pháp luật, không mở rộng không gian của xã hội dân sự hay tăng tự do kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân.
Con số GDP bao gồm nhiều thứ nhưng không có sự nghèo khó của người nông dân mất đất hay sự giàu có của nhà đầu tư nhận đất. Con số GDP không có hình ảnh người phụ nữ nhặt rác trong thùng hay hình ảnh chiếc Roll-Royce lấp lánh bên đường. Con số GDP không có cái rùng mình trong gió lạnh của em bé người Mông hay hơi ấm của bộ áo lông trên mình cô người mẫu.
Đã đến lúc chúng ta phải nhìn quá GDP để thấy các số phận con người cụ thể.
Đã đến lúc chúng ta nói về sự tử tế, về lòng tự hào, và khát khao tự do hạnh phúc của dân tộc.
Đã đến lúc chúng ta không chỉ biết sống vì mình mà còn biết sống vì cộng đồng.
Đã đến lúc chúng ta nhìn vào mắt nhau cảm được nỗi đau để biết thương yêu và giúp đỡ
Đã đến lúc chúng ta cần tự hỏi mình đang sống vì cái gì.
(Theo Dienngon.vn)

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

20141129. BÀN VỀ QUY ĐỊNH ĐẶT TÊN DOANH NGHIỆP

ĐIỂM BÁO MẠNG
"SOCIAN  CAPITAL" LÀ 'XÃ HỘI TỬ HÌNH" ?
Bài của NGUYỄN VẠN PHÚ trên TBKTSG/ Quechoa 27/11/2014
***

***
Chuyện khó tin nhưng có thật, mới xảy ra hồi cuối tháng 10-2014. Một công ty giáo dục muốn đổi tên thành Công ty cổ phần Social Capital. Chuyện công ty Việt Nam mà lại muốn đặt tên tiếng Anh như thế - đúng sai thế nào, xin nói ở phần dưới. Vấn đề là cơ quan cấp phép ở địa phương đã từ chối cái tên này vì lý do, dịch ra tiếng Việt thành “Xã hội tử hình”, là “vi phạm truyền thống văn hóa, đạo đức”!
Tin nổi không cán bộ nhà nước tùy tiện diễn dịch một cụm từ rất bình thường “Vốn xã hội” thành chuyện tày trời có cả hình phạt tử hình ở trong nữa.
Thật ra đây chỉ là một ví dụ trong muôn ngàn ví dụ “cười ra nước mắt” liên quan đến việc đặt tên doanh nghiệp. Các bạn có tin có công ty mang tên “Bay Bổng Đầu Óc”, “Nam Yến Đại Cát”, “Én Sa Yến Sa”, “Người Lái Xe Mặt Trời”...
Có lẽ ít ai trong chúng ta nghe đến các tên này bởi ngay chính người làm trong các doanh nghiệp này cũng ít khi sử dụng chúng. Họ chỉ đặt tên như vậy rồi ngay sau đó sử dụng tên doanh nghiệp viết tắt hay tên giao dịch bằng tiếng Anh. Hóa ra đó mới là tên chính, tên quen thuộc nhưng không dịch ra tiếng Việt được. “Bay Bổng Đầu Óc” là BBDO - một doanh nghiệp quảng cáo lớn của thế giới (BBDO là viết tắt tên của những người sáng lập). Có lẽ trong 289 văn phòng của tập đoàn này tại 80 nước, không nơi nào bắt phải đặt lại tên theo kiểu “Bay Bổng Đầu Óc”!
Còn “Nam Yến Đại Cát” là NYDC - tên chuỗi nhà hàng có trụ sở chính ở Singapore; “Én Sa Yến Sa” là eSys - nhà phân phối các sản phẩm tin học và “Người Lái Xe Mặt Trời” - một công ty phân phối sản phẩm thảo dược theo kiểu đa cấp, với công ty mẹ là... Sunrider.
Trước đây doanh nghiệp không được đặt tên bằng tiếng Anh mà phải đặt tên “thuần Việt” cho nên một người khởi nghiệp trong ngành công nghệ thông tin muốn dùng từ NET đưa vào tên không được đồng ý bèn phải viết thành NÉT; một công ty khác phải mang tên Việt Cốm Bồ.
Nói cụ thể, Nghị định 88 năm 2006 quy định: “Tên doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phát âm được”. “Riêng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể sử dụng tên riêng bằng tiếng nước ngoài đã đăng ký để cấu thành một phần hoặc toàn bộ tên riêng của doanh nghiệp”.
Như vậy các doanh nghiệp nước ngoài như Honda, Samsung, Toyota vào làm ăn ở Việt Nam vẫn được giữ nguyên tên chứ không cần dịch sang tiếng Việt. Thế nhưng có một số trường hợp, mặc dù thực chất là công ty con của một tập đoàn nước ngoài nào đó nhưng lại muốn thành lập dưới dạng công ty trong nước, do người trong nước đứng tên. Thế là nảy sinh các tình huống “dở cười, dở khóc”. Cũng có một số công ty muốn đặt tên bằng tiếng Anh để dễ làm ăn, dễ giao dịch như kiểu Net Lab cũng không được.
Cái quy định cứng nhắc này đã được sửa đổi. Đến Nghị định 43 ban hành năm 2010 thì “Tên doanh nghiệp phải viết được bằng các chữ cái trong Bảng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo các chữ cái f, j, z, w, chữ số và ký hiệu, phát âm được”.
Như vậy về nguyên tắc, doanh nghiệp có quyền đặt tên bằng tiếng Anh. Thực tế đã có những cái tên tiếng Anh được đăng ký như “Công ty cổ phần Hospi Tech”, “Công ty cổ phần Thép Sunrise”, “Công ty cổ phần Good Day Hospitality”. Thậm chí có những tên rất “dung dị” như “Công ty cổ phần Good & Great”, “Công ty TNHH Good Morning Korea”.
Chính vì thế nên cái công ty Social Capital nói ở đầu bài cuối cùng cũng được cấp phép đổi tên - một kết thúc có hậu!
Thế nhưng dường như cảm nhận của nhiều doanh nghiệp vẫn là không được đặt tên bằng tiếng nước ngoài, một số nơi tư vấn vẫn bày theo kiểu dùng một từ tiếng Việt sao cho đến khi dịch sang tiếng Anh làm tên giao dịch thì ra lại đúng cái tên muốn đặt. Chẳng hạn chuỗi bán bánh mì khá nổi tiếng Subway khi sang Việt Nam đã có một “đại diện” là “Công ty TNHH Đường Hầm” mặc dù bản thân từ Subway chẳng phải là đường hầm gì cả.
Thực tế, việc đồng ý cho đặt tên “không thuần Việt” hay không còn tùy từng sở kế hoạch đầu tư, tùy từng cán bộ thụ lý hồ sơ. Nếu thấy lấn cấn thì viện lý do “Xã hội tử hình” như ở đầu bài là mắc vào lỗi “Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, tên danh nhân để đặt tên riêng cho doanh nghiệp” của Nghị định 43.
Nói cho cùng vẫn còn nhiều người cho rằng, đã là công ty Việt Nam tại sao lại đặt tên “Social Capital” làm chi, tại sao không gọi “Vốn Xã Hội” cho khỏe? Nhiều người khác cũng dị ứng với các tên công ty toàn tiếng Anh như “Good Food - Good Life”, “Fast Care”, “Think Great”...
Chỉ cần nhìn ra bên ngoài một chút, chúng ta sẽ thấy nếu các nước không cho doanh nghiệp của mình đặt tên bằng tiếng nước ngoài hay tên thuần theo ngôn ngữ của nước họ thì làm gì có các thương hiệu như Sony của Nhật Bản, Lenovo (Trung Quốc), Ikea (Thụy Điển)...
Cứ cứng nhắc “thuần Mỹ” thì hàng loạt doanh nghiệp Mỹ nhưng của người gốc Việt thành lập làm sao đặt tên như Phở Hòa, Thẩm mỹ viện Hạnh Phước, Địa ốc Thần Tài... trên đất Mỹ?
Cho nên tên doanh nghiệp thì cứ để doanh nghiệp toàn quyền quyết định, luật pháp không nên can thiệp vào làm gì. Nếu doanh nghiệp chỉ giao dịch với nông dân mà đặt tên Tây, khách hàng không hiểu, không gọi được thì cứ ráng mà chịu. Nếu doanh nghiệp đặt tên phản cảm bị khách hàng tẩy chay thì họ chỉ còn biết trách chính họ mà thôi. Xét cho cùng tên doanh nghiệp là tài sản của họ, họ phải lo chứ không ai khác.
Thiên hạ người ta đang lo chuyện mô hình kinh doanh mới, làm sao có khung pháp lý cho phù hợp - còn mình vẫn cứ lay hoay với cái tên!

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

20141128. NGHĨ VỀ ĐỘI NGŨ CÁC NHÀ KHOA HỌC VIỆT

ĐIỂM BÁO MẠNG
HÀNG CHỤC NGÀN GIÁO SƯ, TIẾN SĨ  VIỆT ...ĐANG LÀM GÌ ?
Bài của TRẦN VĂN TUẤN/ VNN/ Quechoa 29/11/2014
***
Con số khoảng 9.000 GS, PGS tại nước ta đang làm gì và được dùng vào việc gì?
***
Tôi có một người bạn lấy bằng Tiến Sĩ tại một trường ĐH có tên tuổi ở xứ Cờ Hoa. Khi về nước anh chỉ có một ước mơ rất đơn giản - làm việc và sống được bằng nghiên cứu khoa học! Khi đó anh rất tự tin vào những gì mình đã học được có thể đóng góp và tạo ra những thay đổi tích cực cho khoa học nước nhà.
Sau hơn một năm bắt tay vào thực hiện các đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước, bên tách cafe đắng, anh chia sẻ: "Tôi thấy người nước mình thực sự không trọng dân trí thức.".
Dù đã có ít nhiều trải nghiệm thực tế, nhưng câu nói của một người bạn có bằng TS lúc đó làm tôi có phần cảm thấy chua xót. Đồng ý rằng các ngành khoa học của chúng ta sinh sau, đẻ muộn và không nhất thiết phải bắt đầu từ con số 0. Thế nhưng, kể cả muốn đi trước đón đầu, chúng ta cũng cần phải học để biết cần đón ở đâu và đi đến đâu. Một khi nền tảng khoa học không có thì mọi thứ chúng ta tiếp thu và ứng dụng được chỉ đều là phần nổi, phần ngọn và cũng chính vì vậy mà đất nước luôn tụt lại phía sau và mãi mãi chạy theo người khác.
Khi nhìn lại các sự kiện gần đây, tôi mới thấm thía những điều mà anh bạn tôi bộc bạch. Ngân sách hàng năm dành cho nghiên cứu khoa học vốn đã rất khiêm tốn (chỉ chiếm 0,5% GDP) nhưng luôn bị cắt xén và thất thoát tại mỗi cấp. Nếu muốn được duyệt một đề tài nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước thì chi phí lobby đôi lúc lên đến vài chục phần trăm ngân sách đề tài. Công sức bỏ ra để hợp thức hóa số tiền bị cắt xén này hầu như chiếm gần hết thời gian của đơn vị nghiên cứu, khiến cho các sản phẩm đầu ra đều không đáng tin cậy hoặc ở dạng nửa vời.
Thật đáng buồn khi nhiều nhà nghiên cứu bỗng nhiên trở thành những nhà "chạy dự án" chuyên nghiệp. Việc xem các đề tại Nhà nước như là một chiếc bánh cho nhiều cá nhân và đơn vị để cải thiện thu nhập khiến cho đất nước ta luôn vắng bóng những công trình tầm cỡ. Sự thiếu hụt các cơ chế giám sát, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong nghiên cứu khoa học được xem như nguyên nhân chính khiến cho phần lớn các kết quả đề tài không có tính ứng dụng trong thực tiễn nhưng vẫn được phê duyệt và nằm yên, bám bụi trên các giá sách vốn đã rất bụi tại các cơ quan nhà nước. Dù có thế nào thì cũng không ai phải chịu trách nhiệm.
Những người làm khoa học không chuyên thì sao? Sự cứng nhắc, rập khuôn và giáo điều của các cơ quan chức năng cộng với tính sính ngoại và tự coi thường khả năng, trí tuệ của chính người nhà mình đã khiến cho bao nhiêu nông dân và kể cả doanh nhân phải ngửa mặt kêu Trời.
Sự kiện hai cha con ông Hải phải tìm đường sang Campuchia để thỏa mãn khát vọng được cống hiến cho khoa học liệu có khiến cho những người có trách nhiệm thấy chua xót ít nhiều? Hay phải chăng sức ép dư luận trong những ngày qua cũng chỉ là một vài hòn đá ném xuống cái ao bèo, để rồi nhanh chóng bị những cánh bèo dày đặc kia khỏa lấp?
 Theo số liệu thống kê, trên tổng số hơn 90 triệu dân hiện thời, VN có tới hơn 100 nghìn người có bằng Thạc sĩ (trình độ được xem là nghiên cứu viên) và hơn 25 nghìn người có bằng Tiến sĩ. Những con số ấn tượng này khiến tôi nghi ngờ nhận định của anh bạn mình khi cho rằng "Trí thức Việt không được trọng dụng và chỉ dùng để trang trí mà thôi!" Nếu thực sự chỉ dùng để trang trí thì quả thực đất nước ta có thể xếp vào loại xa xỉ nhất thế giới khi sử dụng một nguồn lực khổng lồ như vậy chỉ để mà chơi và trang hoàng cho đẹp mắt.
Vậy nếu không chỉ để mà chơi hay cho vui mắt thì tại sao trung bình hàng năm Việt Nam có số lượng ấn phẩm khoa học được duyệt và đăng trên các tạp chí khoa học Quốc tế chỉ bằng 1/5 của Thái Lan và 1/10 của Singapore. Riêng trên tạp chí Nature, thì trong mười năm qua chúng ta chỉ có 5 ấn phẩm khoa học trong nước được đăng trên tạp chí hàng đầu thế giới này. Đồng ý rằng, dân ta có nhiều người học TS chỉ để cho oai, vậy con số khoảng 9.000 GS, PGS với phân nửa số lượng TS đang là giảng viên ĐH hay nghiên cứu viên tại nước ta đang làm gì và được dùng vào việc gì? Hay lại là để cho đẹp đội hình?
Thời Hoàng Đế Lê Thánh Tông, nước Đại Việt của chúng ta có thể được xem là hùng cường bậc nhất trong lịch sử Phong kiến. Có lẽ ý thức được nguyên tắc "hiền tài là nguyên khí Quốc gia" nên nhà Vua đã tạo dựng được một triều đại huy hoàng đến vậy. Tuy đời sau ít nhiều thấm nhuần tư tưởng này nhưng chưa ai làm được những gì mà "Vị Hoàng Đế mở cõi" này đã làm. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo tôi cũng giống như ngày nay, cái quan trọng nhất không phải chúng ta không muốn sử dụng nhân tài mà là chúng ta không có khả năng sử dụng họ.
Chúng ta hiện vẫn còn thiếu rất nhiều thứ để có được một nền khoa học tiên tiến. Cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, thiết bị và kể cả ngân sách rồi cũng có thể có được. Cái quan trong hơn, cấp thiết hơn lúc này chính là cần phải xác định được mình thực sự mong đợi gì? Muốn làm gì và cần ưu tiên cái gì? Chỉ đến khi những người có trách nhiệm thấu hiểu được khoa học chính là con đường then chốt để thay đổi vị thế đất nước, rằng đất nước ta không thiếu vắng nhân tài và rằng phải có tinh thần cầu thị, dám chịu trách nhiệm, đức tính bao dung, không đố kị cùng một tấm lòng vì đại cục, thì ngày đó đất nước ta sẽ có thể cất cánh bay cao.
Hơn hết, dụng nhân như dụng mộc, hãy trả mọi người về đúng vai trò của họ, nơi họ có thể sống, làm việc và cống hiến theo đúng khả năng của mình. Hãy tạo dựng một môi trường phù hợp, khơi dậy sức sáng tạo của mỗi công dân và sẵn sàng lắng nghe cũng như hành động, nhằm khích lệ kịp thời, giúp tập hợp nguồn "nguyên khí Quốc gia" cho phát triển đất nước. Khi đó nhiều cái tử tế sẽ theo về và tách cafe mỗi lần tôi uống với anh bạn Tiến sĩ kia cũng sẽ đậm, ngọt hơn.